27 người tử vong vì bệnh tay chân miệng

04:05, 25/05/2012
.

Tại Việt Nam, tổng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là 46.277 trường hợp (ở tại 63 tỉnh, thành phố), trong đó, 27 trường hợp đã tử vong.

Sáng 25/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng với 19 điểm cầu.
 

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Tại Việt Nam, tổng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là 46.277 trường hợp (ở tại 63 tỉnh, thành phố), trong đó, 27 trường hợp đã tử vong.

Riêng tháng 5/2012, có 6.569 trường hợp mắc bệnh. Số ca mắc bệnh có xu hướng giảm so với tháng 4 nhưng tăng 3 trường hợp tử vong.

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho rằng: Mặc dù ngành y tế đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cách phòng ngừa bệnh và cấp hóa chất chloramin B, tuy nhiên, thói quen rửa tay thường xuyên và vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại các hộ gia đình chưa thực hiện thường xuyên. Một số nơi có ca mắc bệnh cao là khu vực đang đô thị hóa như: Quận 8, Bình Chánh, Bình Tân, Quận 7… Tại đây có nhiều nhà trọ, đời sống còn nhiều khó khăn nên ý thức tự giác rửa tay, vệ sinh nhà cửa phòng bệnh còn thấp.

Là tỉnh có số ca mắc bệnh trung bình, nhưng tỷ lệ tử vong của An Giang cao hơn rất nhiều lần so với trung bình của cả nước với 7 ca tử vong.

Ông Nguyễn Huy Danh – Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho rằng, tỉnh đã có nhiều giải pháp như: Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, vệ sinh và khử khuẩn môi trường, giám sát và xử lý triệt để ổ dịch nhưng vẫn xảy ra tỷ lệ tử vong cao. Ông Danh đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh tay chân miệng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, hầu hết các tỉnh, thành phố khi triển khai các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả, số người mắc giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch hiện rất phức tạp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, cho đến thời điểm hiện nay chưa xác định được diễn biến dịch. Năm nay dịch xuất hiện sớm, đỉnh dịch từ tháng 4, tháng 5 nhưng đang có xu hướng giảm. Quan điểm của Bộ Y tế là giảm tử vong là biện pháp hàng đầu, kế đến là giảm mắc và tăng cường giáo dục truyền thông về phòng chống tay, chân miệng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhận định: Từ cuối năm 2011 đến nay, bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc bệnh cao, bởi đây là bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp virus gây bệnh nên một người có thể mắc nhiều tuýp virus khác nhau.

Bên cạnh đó, bệnh hiện lưu hành tại các địa phương trong cả nước và đến nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu./.

 

Theo VOV


.