Tai biến rình rập người già đi bộ

04:09, 12/09/2010
.

Bệnh viện nhân dân Gia Định, TP.HCM vừa cấp cứu kịp thời cho một cụ già bị đột quỵ khi đi bộ sáng sớm. Trước đó trung tâm cấp cứu Trưng Vương và bệnh viện 115, TP.HCM cũng đã từng tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp tương tự. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đi bộ là một phương pháp rèn luyện sức khoẻ hiệu quả nhưng không phải ai cũng thích hợp để tập luyện thường xuyên môn này.
 
Ai phải cẩn trọng khi đi bộ?
 
Người bệnh xương khớp: đại đa số người già bị thoái hoá khớp nhưng do không biết nên đã tăng vận động cho mau khoẻ. Điều này vô tình dẫn đến khớp đau thêm, thậm chí cứng khớp, teo cơ, mất khả năng vận động. Nếu bị thêm loãng xương, xương sẽ dễ gãy, nhất là cổ xương đùi và xương cẳng tay. Người bị viêm đa khớp cấp, khi đang trong tình trạng đau cấp mà đi bộ cũng sẽ làm cho khớp đau nhiều hơn, đẩy nhanh quá trình biến dạng khớp, thậm chí không đi được.
 
Sau khi đi bộ về không nên tắm nước lạnh ngay vì dễ cảm lạnh và xảy ra các tai biến về tim mạch. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật
Sau khi đi bộ về không nên tắm nước lạnh ngay vì dễ cảm lạnh và xảy ra các tai biến về tim mạch. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật
 
Người béo phì: với khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng lượng cơ thể, tức vào khoảng 25 – 40kg. Người càng béo phì tải trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời gian đi kéo dài. Đó là nguyên nhân vì sao một số người thấy đau gối sau tập đi bộ. Cơn đau này không giảm mà ngày một tăng, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trọng lượng cơ thể và đặc điểm đoạn đường tập. Tốt nhất người béo phì nên chọn phương pháp tập luyện khác để giảm tải lên cột sống và khớp gối.
 
Người bệnh cao huyết áp: đa phần người già đi bộ sớm, lúc 5 – 6 giờ sáng, khi trời còn lạnh. Nếu không giữ ấm cơ thể đúng cách, những người đang có bệnh cao huyết áp có thể bị co mạch, huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não và các bệnh tiềm ẩn cũng dễ bộc phát ra.
 
Người bệnh tim mạch: người bình thường đi bộ sẽ giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của tim. Tuy nhiên nếu vận động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình trạng suy tim và bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có bệnh nhân tử vong trong khi đi bộ do cố gắng tập quá sức. Người có bệnh tim mạch nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn môn tập này thực hành hàng ngày.
 
Xe đạp, võ dưỡng sinh… tốt cho tuổi già hơn
 
Người cao tuổi rất cần có sự vận động nhưng phải phù hợp thể trạng. Nguyên tắc vận động là phải nhẹ nhàng, chậm và liên tục. Theo một số nghiên cứu, người cao tuổi đi xe đạp hay tập võ dưỡng sinh sẽ tốt hơn đi bộ. Nếu không có triệu chứng đau gối thì người cao tuổi vẫn có thể tập đi bộ nhưng cần lưu ý cường độ và thời gian tập luyện sao cho phù hợp. Khi có triệu chứng đau nhức, cần giảm bớt mức độ tập luyện hay nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tập lại.
 
Với những người đang bị bệnh, nhất là bệnh tim mạch, xương khớp, tiểu đường, huyết áp… trước khi đi bộ cần có tư vấn kỹ của bác sĩ điều trị. Tốt hơn hết là chọn những môn khác như võ dưỡng sinh, thể dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội… thay vì đi bộ. Cho dù chọn tập môn nào thì cũng phải ngưng ngay khi có triệu chứng như: đau gối, đau lưng, đau ngực, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ra mồi hôi nhiều bất thường, tự nhiên mệt nhiều, chuột rút, đau cơ bất thường…
 
Theo SGTT

.