Ngành Y tế Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

03:09, 24/09/2010
.

(QNg)- Thạc sĩ Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Ngành y tế xác định, muốn thực hiện tốt việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân phải chăm lo củng cố, nâng cấp tuyến y tế cơ sở, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ theo tuyến kỹ thuật. Từ những cơ sở y tế đã cũ, xuống cấp,  ngành y tế đã chủ động đề xuất và huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị hiện đại cho các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, các Trung tâm chuyên khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn.

 Đặc biệt bằng nguồn kinh phí thuộc các dự án ADB, ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng mới các bệnh viện tuyến tỉnh là BVĐK tỉnh, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, BV Tâm thần, Trung tâm Mắt, BVĐK 13/14 huyện, thành phố; đồng thời nâng cấp các phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế cơ sở. Nhờ đầu tư đồng bộ, mạng lưới y tế cơ sở vật chất, giường bệnh, trang thiết bị và nhân lực cơ bản hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến cơ sở, các chỉ số về khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng giường bệnh tăng hằng năm.
 
Kỹ thuật mổ nội soi được áp dụng tại BVĐK tỉnh.
Kỹ thuật mổ nội soi được áp dụng tại BVĐK tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 1 bệnh viện đa khoa, 2 bệnh viện chuyên khoa; 14 trung tâm y tế tuyến huyện, 9 phòng khám đa khoa và 184 trạm y tế xã với tổng số 2.060 giường bệnh. Cùng với tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, ngành còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục y đức, đáp ứng yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh. 5 năm qua ngành đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ cao bậc đại học, trên đại học và trung học đáp ứng cơ bản nhu cầu cán bộ trong toàn ngành, đồng thời chuẩn hóa công tác đào tạo.

Để có cán bộ cho các huyện miền núi; vùng khó khăn và trạm y tế xã, Sở Y tế đã xin chủ trương của UBND tỉnh cho đào tạo nhiều loại hình như đào tạo bác sĩ chuyên tu, đào tạo tại chức, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng! Đã có 314 cán bộ đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học, bác sĩ CKI, CKII; 44 dược sĩ và hiện nay cho đi đào tạo 3 tiến sĩ. Hiện toàn ngành có 3.484 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 542 bác sĩ, 10 dược sĩ CKI, 44 thạc sĩ, 14 bác sĩ chuyên khoa II, 163 bác sĩ chuyên khoa I) đạt 4,17 bác sĩ/vạn dân.

Đặc biệt 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã có bác sĩ. Ngành đã thực hiện có hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế, về việc tiếp nhận cán bộ luân chuyển hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho tỉnh. Nhiều biện pháp kỹ thuật, dịch vụ y tế trình độ cao được áp dụng có hiệu quả và trở thành kỹ thuật thường quy như: Phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi, mổ phaco, phẫu thuật ghép chi đứt lìa, chỉnh hình thẩm mỹ. Từ đó nâng cao hiệu quả điều trị, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng làm giảm tải cho tuyến trung ương. Ngoài ra ngành đã huy động được các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội thực hiện tốt chính sách về khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam... Đến nay trên một triệu lượt người được thụ hưởng từ chính sách này, trên 12.320 người mù nghèo được mổ đục thủy tinh thể và hàng trăm trẻ em được phẫu thuật nụ cười, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.

Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, đồng thời từng bước chấn chỉnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cải thiện điều kiện và chất lượng chăm sóc người bệnh, những năm qua ngành y tế Quảng Ngãi đã triển khai có hiệu quả công tác giám sát dịch tễ và các chương trình phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm nhờ đó đã được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét, không để xảy ra các vụ dịch lớn.

Quảng Ngãi đã thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia: Thực hiện có hiệu quả chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em, đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 95% cho trẻ em <1 tuổi, xóa các thôn bản trắng về TCMR tại các xã miền núi cao; tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm đã giảm mạnh, một số bệnh đã được thanh toán (bại liệt, uốn ván sơ sinh) và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ. Đặc biệt năm 2009 Quảng Ngãi đã thành công trong công tác phòng chống và ngăn chặn kịp thời cúm A/H1N1. Bên cạnh việc đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh, việc triển khai rộng rãi chương trình làng văn hóa sức khỏe thông qua việc kết hợp các hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã thu hút được sự phối hợp liên ngành và sự hưởng ứng của toàn xã hội, cộng đồng dân cư.

Trong những năm tới, ngành y tế tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế nhằm sớm khắc phục tình trạng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, phát hiện sớm và dập tắt kịp thời khi có dịch xảy ra; tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh tại các tuyến, quan tâm các đối tượng chính sách, bảo đảm bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe.

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế, khuyến khích phát triển và mở rộng loại hình y tế tư nhân, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện khu vực. Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ ngân sách kết hợp với thu hút các nguồn lực khác để  từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm. Triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Từng bước đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, bảo đảm sự đồng đều và triển khai các kỹ thuật cao theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính, khắc phục các thủ tục rườm rà, nhất là đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế...

Bài, ảnh: Thanh Thuận

.