Ngành Y tế: Một năm nỗ lực phòng chống dịch

10:01, 27/01/2010
.

(QNg) - 2009 là năm ngành y tế phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh, nhưng với lòng quyết tâm cao, các y, bác sĩ đã tập trung chống dịch, khống chế dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và nhân dân. 

Hết dịch cúm A/H1N1, rồi đến dịch sốt xuất huyết, sau đó là việc khống chế dịch bệnh do cơn bão số 9 gây ra, nên cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm y tế dự phòng và Đội vệ sinh phòng dịch các huyện, các bệnh viện đều phải nỗ lực rất lớn.
 
Y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh chăm sóc sức khoẻ  bệnh nhân.
Y, bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân.
Ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chưa có đợt dịch nào như đợt dịch cúm A/H1N1. Khi dịch xảy ra ở trường THPT Tư Nghĩa 1, do một học sinh mang mầm bệnh từ Trường tư thục TP. Hồ Chí Minh về nghỉ hè, rồi lan dần ra. Từ một ca ban đầu, đến 12 ca rồi 43 ca vào ngày 30/9... Từ Trường THPT Tư Nghĩa 1, đến Trường Trần Quốc Tuấn, Lê Khiết, Trường Ba Gia, rồi từ đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ đến miền núi Sơn Hà... Dịch cứ thế mà lan rộng với hàng ngàn người bị nghi nhiễm. Ngành y tế vội điều động cán bộ y tế trong toàn ngành, chia thành nhiều tổ, đội xuống cơ sở khoanh vùng, khống chế dịch. Rồi những bệnh viện dã chiến được lập lên tại Trường THPT Ba Gia, Sơn Mỹ  (Sơn Tịnh). "Chưa có cuộc nào mà đội ngũ y, bác sĩ phải tập trung cao độ như chống dịch cúm A- H1N1, bởi vì dịch bệnh này chỉ lây qua đường hô hấp, bác sĩ, y sĩ cũng là người  có nguy cơ bị lây nhiễm khi vào vùng dịch.

Theo thống kê toàn tỉnh trong dịch cúm A/H1N1 đã có 4.922 ca giám sát, trong đó có 2.300 ca có biểu hiện sốt đưa về điều trị, đến nay không còn ca nào đáng lo ngại nữa. Dịch bệnh cúm A-H1N1 như được khống chế hoàn toàn.

 Sau dịch cúm A/H1N1. Cơn bão và lũ đã làm ngã đổ, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà làm ngập hàng vạn giếng khơi, làm hư hỏng quá nhiều công trình nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, và cuốn phăng hàng ngàn gia súc. Sau bão, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, mầm bệnh xuất hiện nhiều ở các địa phương nơi bão lũ đi qua, nơi vùng trũng. Các y bác sĩ đã về các vùng ngập lũ như các xã Bình Minh, Bình Mỹ (Bình Sơn); Trà Thanh, Trà Quân (Tây Trà) khám bệnh điều trị và khử trùng nguồn nước cho bà con sử dụng. Những ngày sau bão, bà con chỉ lo dọn dẹp nhà cửa nên việc xử lý nguồn nước ở các giếng khơi cho dân là việc của cán bộ y tế. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ y tế, nên sau cơn lũ lịch sử này, không có  dịch bệnh xảy ra.

Năm 2009, cũng là năm mà ngành y tế đối mặt với chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Dịch bệnh xuất hiện rồi bùng phát từ những vùng ẩm ướt ở TP.Quảng Ngãi, những vùng ven biển Đức Lợi (Mộ Đức), Tịnh Khê (Sơn Tịnh), đến vùng cao Sơn Bua (Sơn Tây)... Ngành đã xin nguồn kinh phí của UBND tỉnh để khống chế dịch kịp thời.

Những đợt dịch xảy ra năm qua đã thách thức năng lực lãnh đạo, tay nghề cùng với cái tâm của đội ngũ y bác sĩ tỉnh nhà. Nhưng với trình độ nghiệp vụ và tấm lòng của mình , cán bộ, nhân viên ngành y tế đã vượt qua bao thách thức góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

.