Làm giàu từ nghề nuôi hàu truyền thống

05:12, 31/12/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Trải qua những năm tháng làm nghề bạn tàu với nguồn thu nhập bấp bênh, chàng trai trẻ Cao Xuân Nguyên (26 tuổi) đã quyết định làm giàu từ chính nghề nuôi hàu truyền thống của quê mình. 

[links()]

Xuất phát từ niềm đam mê

Cũng như bao thanh niên miền biển khác, từ nhỏ Cao Xuân Nguyên (26 tuổi) đã gắn bó cuộc sống với biển cả. Lớn lên, thay vì ngược xuôi vào các thành phố lớn lập nghiệp, anh chọn ở lại quê hương bám biển với nghề đi bạn tàu.

Khoảng thời gian 3 năm, theo nghiệp “ăn sóng nói gió”, những nhọc nhằn và cả vị mặn mòi của biển càng khiến Nguyên thêm yêu và khát khao làm giàu ngay chính ở ngôi làng chài của mình. Năm 2018, thời điểm Nguyên hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, lúc ba anh quyết định gác lại nghề nuôi hàu, cũng là lúc anh tiếp nối nghề nuôi hàu truyền thống của gia đình cho đến nay. 

Mô hình nuôi hàu kết hợp nuôi cá mú cho giá trị kinh tế cao của anh Cao Xuân Nguyên.
Mô hình nuôi hàu kết hợp nuôi cá mú cho giá trị kinh tế cao của anh Cao Xuân Nguyên.

Ban đầu được giao cho tiếp quản hơn 10 lồng bè nuôi hàu Thái Bình Dương kết hợp cá mú, anh vui mừng lẫn lộn. Mừng bởi vì đây là công việc gắn liền với biển, hơn nữa giữ gìn được nghề truyền thống của gia đình. Nhưng anh lo vì tuổi còn quá trẻ, chưa am hiểu rõ trong khi nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, kinh nghiệm và linh hoạt tìm đầu ra cho mặt hàng này.

“Không ít trường hợp, nhiều thanh niên do thiếu kinh nghiệm và không biết cách chăm sóc trong những tháng thời tiết trở lạnh. Hơn nữa, khi con hàu Thái Bình Dương được nhiều người đổ xô thả nuôi, với một diện tích mặt nước nhỏ và nguồn nước bị ô nhiễm như hiện nay, nên hàu chậm phát triển, bị dịch bệnh, có hộ gần như mất trắng”, anh Nguyên chia sẻ. 

Không nản chí, tìm mọi cách để vượt qua, vừa chăm sóc, vừa tìm tòi học nghề từ ba và những người đi trước. Đặc biệt, để đảm bảo hàu sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện môi trường nuôi đang bị ô nhiễm là sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm nuôi truyền thống, mà anh học từ các bậc tiền bối và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ mạng Internet. 

Anh Nguyên cho biết: "Nhằm hạn chế dịch dịch bệnh ở hàu, tôi thả nuôi hàu gối đầu với số lượng tương đối, kết hợp thả nuôi dây hàu trong các lồng bè nuôi cá mú, cá bớp và cá hồng đỏ. Với cách làm này, không những giúp hàu lớn nhanh mà có tác dụng ngăn cản vật thể bám vào lồng nuôi cá của gia đình". 

Ngoài ra, với lợi thế thanh niên trẻ, thông thạo mạng xã hội, anh đã xây dựng một cơ sở thủy hải sản ngay tại trung tâm xã Phổ Thạnh. Nhờ có cơ sở và thông tin qua mạng xã hội facebook mà sản phẩm hàu của làng chài được nhiều người biết đến. Những chuyến hàng vào các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn đã không còn xa lạ với cơ sở nhỏ này. 

Lãi hơn 100 triệu đồng/năm

Anh Nguyên chủ yếu nuôi cá mú, cá bớp và hàu Thái Bình Dương. Cứ lứa này gối đầu lứa khác, nhờ vậy anh Nguyên có sản phẩm bán quanh năm. Mỗi ngày anh bán ra thị trường trên 100 kg các loại. Với giá bán 32.000 đồng/kg hàu, 200.000 đồng/kg cá bớp, 300.000 đồng/kg cá mú, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn trăm triệu đồng.

“Gia đình mình chỉ nuôi cá bớp khoảng10 tháng, trọng lượng từ 5-6kg, cá mú đạt trọng lượng từ 4-5kg, hàu sẽ từ 5-6 tháng nuôi. Cứ lứa này gối lứa khác nên gia đình luôn đảm bảo nguồn cung cho khách hàng quanh năm”, anh Nguyên bộc bạch. 

Thức ăn của hàu là những thứ có sẵn trong nước, rong, tảo, mùn bã hữu cơ. Việc chăm sóc và kỹ thuật nuôi khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Còn những loại cá với đặc tính là loại ăn tạp, sức đề kháng tốt dễ nuôi, về nguồn thức ăn có thể tận dụng được nguồn sẵn có tại địa phương. Hiện nay, gần 5 tấn cá của anh đều được nuôi chủ yếu bằng cá vụn trộn với cám, nên thịt cá săn chắc, thơm ngon được rất nhiều người đến đặt mua. 

HHH
Đoàn viên, thanh niên thị xã Đức Phổ tham quan mô hình nuôi hàu kết hợp cá thương phẩm của anh Cao Xuân Nguyên.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những lồng cá còn lại, anh Nguyên chia sẻ: “Thời còn theo nghề bạn tàu lênh đênh trên biển, giống như đi làm công cho họ. Hôm nào đánh bắt nhiều thì cổ phần mình nhiều, còn ít thì ăn ít. Thu nhập phập phù, không được bao nhiêu, ước chừng những năm đi bạn chỉ kiếm khoảng 35 triệu đồng. Nhưng đổi lại mình biết được nhiều kinh nghiệm trong dự trữ, chất lượng cũng như giá cả”, anh Nguyên chia sẻ.

Những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Cao Xuân Nguyên, một người thanh niên “sinh ra từ biển” mạnh dạn khẳng định sức mạnh của tuổi trẻ, hiện thực hóa phong trào “lập thân lập nghiệp” từ nghề truyền thống của quê hương. Với mô hình này, anh Nguyên không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình mà còn góp phần phát triển được thế mạnh của địa phương. Thời điểm này, gia đình anh đang chăm sóc khoảng 3 tấn cá thương phẩm các loại cá mú, cá bớp và 5 tấn hàu để phục vụ thị trường Tết. 

Phó Bí thư Đoàn thị xã Đức Phổ Cao Văn Dương, cho biết: "Mô hình của anh Cao Xuân Nguyên là một trong những mô hình thanh niên tiêu biểu trong phát triển thế mạnh kinh tế của địa phương với ngành nghề đó là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làm giàu ngay chính trên quê hương làng chài của mình. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên thị xã Đức Phong, góp phần phát triển kinh tế biển đang là thế mạnh của thị xã . 

Bài, ảnh: Thủy Tiên

 

.