Những thủ lĩnh đoàn đam mê khởi nghiệp

10:11, 06/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ năng nổ trong các hoạt động phong trào, vì cộng đồng, mà nhiều thủ lĩnh đoàn thanh niên còn có đam mê khởi nghiệp, hiện đang sở hữu những mô hình kinh tế hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN

Đó là Bí thư Xã đoàn Sơn Ba (Sơn Hà) Phan Văn Quảng và Bí thư Chi đoàn thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) Lê Tấn Thanh.

Khởi nghiệp với đặc sản địa phương

Tuy kinh nghiệm chăn nuôi không nhiều, nhưng với tư duy làm giàu, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và gánh trên đôi vai trách nhiệm của một cán bộ đoàn, thủ lĩnh thanh niên của một xã miền núi, anh Quảng đã tìm tòi, nghiên cứu cách làm kinh tế mới, hiệu quả cho những người trẻ địa phương.

Qua tìm hiểu từ người thân, bạn bè, Internet và vận dụng kinh nghiệm đã học hỏi, tham quan thực tế tại các mô hình, cuối năm 2018, anh Quảng đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, rồi tập hợp nhóm thanh niên triển khai mô hình khởi nghiệp nuôi dúi (chuột lách) sinh sản và chế biến, sản xuất dầu phụng, cùng rượu gạo men lá rừng.
 Anh Lê Tấn Thanh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) chăm sóc đàn gà.  ẢNH: HIỀN THU
Anh Lê Tấn Thanh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) chăm sóc đàn gà. ẢNH: HIỀN THU

Đến nay, mô hình do anh Quảng làm trưởng nhóm đã có thu nhập trên 70 triệu đồng. Đàn dúi được nhân rộng trên 100 con và đang sinh sản phát triển tốt.

Bên cạnh đó, là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Ba, hưởng ứng phong trào mỗi xã một sản phẩm, anh Quảng và các thành viên trong hợp tác xã đã nỗ lực trong việc định hướng và phát triển những sản phẩm của địa phương.

Hiện nay, hợp tác xã đã đưa ra thị trường những sản phẩm chính như: Dầu lạc, rượu cần, rượu gạo men lá rừng. Từ những định hướng và việc làm trên đã giúp người dân địa phương nhận thức được trong việc phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa và mang lại thu nhập ổn định.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Quảng còn tạo thêm niềm tin, động lực cho các bạn trẻ trên bước đường xung kích phát triển kinh tế dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để nhân rộng các mô hình này, thời gian tới, Xã đoàn Sơn Ba tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, kết nạp thêm thành viên vào hợp tác xã, các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế để tập hợp sức mạnh, liên kết các mô hình thanh niên làm kinh tế.

Ông chủ trẻ của trang trại gà

Năm 2013, anh Thanh tốt nghiệp cao đẳng ngành kỹ thuật điện – điện tử. Ra trường vừa đi làm nghề, anh Thanh vừa tham gia các hoạt động đoàn ở địa phương. Năm 2015 , anh Thanh được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền.

Trong quá trình gắn bó với công tác đoàn, anh Thanh có cơ hội đi tham quan, biết nhiều mô hình hay, khởi nghiệp bằng nông nghiệp của thanh niên, nên cuối năm 2018 anh chuyển hướng, bắt tay xây dựng trang trại nuôi gà ta.

Là dân tay ngang làm nông nghiệp, nên anh Thanh bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu về nguồn giống, kỹ thuật và cách chăm sóc gà. Không đi theo hướng nuôi gà công nghiệp, mà anh Thanh chọn gà ta, nuôi dài ngày để đảm bảo chất lượng thịt.

Anh Thanh chia sẻ: "Để có chất lượng thịt gà thơm ngon thì trung bình mỗi lứa, tôi nuôi hơn 6 tháng mới xuất bán. Hiện nay,  đàn gà của tôi có gần 1.000 con và đã xuất bán một lứa gần 300 con. Mỗi ký giá từ 100.000- 110.000 đồng.

Với cách chăn nuôi khoa học, dùng đệm lót sinh học và tiêm vắc xin đầy đủ, nên đàn gà của anh Thanh phát triển tốt, không có dịch bệnh. Anh Thanh cho hay: "Lứa gà thứ hai dự kiến bán vào dịp tết Nguyên đán năm nay. Sau hai lứa gà, tôi có thể thu về tiền vốn đầu tư ban đầu là hơn 70 triệu đồng. Đầu năm sau tôi sẽ đầu tư mô hình nuôi dúi. Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, tôi tin tưởng, khởi nghiệp bằng nông nghiệp vẫn có thể làm giàu".

  THÀNH TUYÊN – HIỀN THU


 

.