Thu gom phế liệu, giúp đỡ học sinh khó khăn

03:03, 12/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Mỗi thôn đều có một thùng thu gom phế liệu. Tất cả số tiền thu được dùng làm quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình ý nghĩa, chứa đựng tinh thần "tương thân tương ái", được Đoàn xã Ba Cung, huyện Ba Tơ thực hiện đã và đang gây “sức vang” lớn tại địa phương.
 
Nơi nào có ve chai, nơi đó có “áo xanh”
 
Nghe xong cuộc gọi của người dân, Bí thư đoàn xã Ba Cung Phạm Duy Thể khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, rủ thêm hai đoàn viên khác tức tốc chạy xe máy đến thôn Dốc Mốc 2 để phụ giúp người dân thu gom phế liệu, gây quỹ. Chuyện ấy giờ đã thành thông lệ với anh, bởi chuyện cho phế liệu qua… điện thoại đã quá đỗi quen thuộc.
 
Giữa cái nắng gay gắt, anh Thế cùng những người còn lại trong đoàn phân nhau việc thu gom ve chai, phế liệu vào một bao tải lớn, rồi vận chuyển về điểm tập kết chính trong thôn. Lúc ấy, cả người cho lẫn người nhận đều nở nụ cười đầy mãn nguyện, vì họ thầm nghĩ, mình đang làm một việc có ích.
 
Từ khi có mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ”, ý thức của người dân cũng nâng cao rõ rệt, không còn vứt phế liệu bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. “Năng nhặt chặt bị”, ve chai, phế liệu chẳng mấy chốc đầy ắp. Nào là chai dầu ăn, bình nước rửa chén, chai nước mắm, giấy cũ, bìa cứng và cả những đôi dép nhựa bỏ đi…
 
Đoàn viên thanh niên hướng trực tiếp cảm ơn người dân về những bao ve chai, phế liệu.
Bí thư đoàn xã Ba Cung Phạm Duy Thể  trực tiếp cảm ơn người dân về những bao ve chai, phế liệu trao tặng cho đoàn thanh niên xã.
 
Bà Võ Thị Nở, 46 tuổi, trú thôn Dốc Mốc 2 chia sẻ: Thấy ý tưởng của đoàn thanh niên xã khởi xướng hay, đầy tính nhân văn nên tôi cũng như các hộ khác thường xuyên ủng hộ. Có ít thì cho ít, nhiều cho nhiều, chủ yếu là tấm lòng thôi.
 
Dần dà, mô hình có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn dân. Chính quyền xã Ba Cung đã đồng ý hỗ trợ kinh phí ban đầu 7 triệu đồng để đóng thùng chứa, lắp đặt biển hiệu với nội dung kêu gọi, vận động người dân tham gia tại khắp các thôn trong xã. 
 
Số tiền ấy không nhiều, nhưng đủ để “ước mơ” của đoàn thanh niên thành hiện thực. Có động lực, những thành viên cùng nhau mua sắm nguyên vật liệu sắt, thép, lưới B40… rồi tự tay làm nên những thùng lưới chắn chắn để đựng ve chai, phế liệu nhiều hơn, gọn gàng hơn; thống nhất đặt tại các vị trí trung tâm của thôn Gòi La Đồng Xoài, Gò Rắc Ma Nghít, Đồng Dâu Con Cua, Làng Giấy Mốc 1, Dốc Mốc 2, Trường Tiểu học xã Ba Cung để mọi người dễ nhìn thấy và thuận tiện thu gom.
 
Thu gom phế liệu tại các điểm tập kết lên xe tải để mang đi tiêu thụ, lấy tiền gây quỹ.
Thu gom phế liệu tại các điểm tập kết lên xe tải để mang đi tiêu thụ, lấy tiền gây quỹ.

“Lúc đầu, chúng tôi phải đi vận động khắp nơi, nào là nhà hàng, quán ăn. Mỗi khi có đám tiệc xong là chúng tôi có mặt, dặn họ để dành ve chai cho đoàn thanh niên. Còn bây giờ, họ chủ động gọi chúng tôi khi có lon bia, đồ phế liệu. Từ nhà dân lan rộng đến mọi nơi trong xã. Thật sự, chúng tôi chẳng ngờ rằng, mô hình lại thành công đến vậy”- Bí thư đoàn xã Ba Cung Phạm Duy Thể nói.

Thường thì sau một tháng thu gom, ve chai, phế liệu được đoàn thanh niên phân loại hẳn hoi, thậm chí mượn hẳn xe tải để chở đi bán lại cho các cơ sở thu mua. 
 
Phế liệu thành tiền, nâng bước em đến trường
 
Lật dở từng trang nhật ký ghi lại nguồn quỹ, chị Phạm Thị Phiền, đoàn viên và cũng là thủ quỹ của mô hình hào hứng khoe với chúng tôi nghe về những kết quả đạt được. Chị đọc vanh vách các con số thống kê, nào là ngày 21.11 tổng cộng 913.000 đồng; ngày 19.1 tổng cộng 1.073.000 đồng; ngày 1.2 tổng cộng 570.000 ngàn đồng… “Cứ tưởng nó là thứ dùng rồi là bỏ đi, đồng nát thì chẳng bán được mấy đồng nhưng ai ngờ lại nhiều đến vậy, có lúc lên tới tiền triệu”- chị Phiên cho hay.
 
Từ số tiền này, mỗi tháng, Đoàn xã Ba Cung sẽ trích ra, hỗ trợ cho 3 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét duyệt kỹ lưỡng từ các thôn, xóm. Mỗi suất quà trị giá gần 300.000 đồng, bao gồm cả phần gạo trao cho gia đình các em.
 
Những phần quà được trao tặng là niềm động viên rất lớn để các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục viết ước mơ học chữ, đổi đời.
Những phần quà được trao tặng đã tiếp thêm động lực để các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục viết ước mơ học chữ, đổi đời.
 
“Đồng bào vùng cao mình đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều em cái ăn cái mặc còn chưa đủ nên việc học hành gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, việc hỗ trợ, tiếp sức cho các em là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động nhiều hơn nữa sự đóng góp từ người dân, hướng tới tăng thêm nguồn quỹ và cá nhân được thụ hưởng”, anh Thể chia sẻ thêm.
 
Cùng với mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ” tiếp sức cho học sinh đến trường được thực hiện vào tháng 10.2018, mô hình “Hũ gạo tình thương” cũng được Đoàn xã Ba Cung  (học tập từ các xã bạn) triển khai song song đã phát huy được tinh thần học tập và làm theo Bác. Khác với một số địa phương khác được đặt tại nhà của Chi hội trưởng- Hội phụ nữ các cấp, mô hình này được đặt ngay tại các cơ sở xay xát lúa gạo, nhằm gây quỹ hỗ trợ cho người già có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần nhiệt huyết, hướng về cộng đồng của tuổi trẻ xã nhà đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và chính quyền địa phương.

Cùng với mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ” tiếp sức cho học sinh đến trường được thực hiện vào tháng 10.2018, mô hình “Hũ gạo tình thương” cũng được Đoàn xã Ba Cung  (học tập từ các xã bạn) triển khai song song đã phát huy được tinh thần học tập và làm theo Bác.

Khác với một số địa phương khác được đặt tại nhà của Chi hội trưởng- Hội phụ nữ các cấp, mô hình này được đặt ngay tại các cơ sở xay xát lúa gạo, nhằm gây quỹ hỗ trợ cho người già có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần nhiệt huyết, hướng về cộng đồng của tuổi trẻ xã nhà đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và chính quyền địa phương.

Theo chân các anh đến trao quà cho các em học sinh trong tháng 3, chúng tôi tìm đến gia đình em Phạm Thị H là học sinh theo học một trường ở địa phương. Hoàn cảnh của em khá đặc biệt. Mẹ bỏ đi. Thi thoảng, mẹ về rồi đi vội cũng chỉ cho em được vỏn vẹn 50.000 đồng dằn túi. Ba H làm nghề phụ hồ, tiền công ít ỏi, chẳng đủ nuôi nổi H và 2 đứa em. Có thời điểm, vì quá chán nản, tuyệt vọng, ba H chìm đắm trong men rượu để giải sầu. Những lúc đó, H luôn nghĩ đến việc sẽ bỏ học. 
 
May mắn thay, Đoàn xã Ba Cung đã kịp thời biết đến hoàn cảnh đáng thương của H và không ngừng đến động viên, hỗ trợ tiền để em được tiếp tục đến trường, được vui cùng thầy cô, bạn bè, được học cái chữ. H tâm sự, em sẽ cố gắng chăm chỉ, học tập thật tốt để không phụ lòng các anh chị và tấm lòng của bà con trong xã đã dành cho em.
 
Một hoàn cảnh khác là em Dương Văn Thanh Luyện, ở thôn Dốc Mốc 2. Gia đình em đông con, cha mẹ phải đi xa làm ăn. Em phải sống với bà ngoại tuổi cao, sức yếu. Kinh tế gia đình khó khăn nên hành trình viết tiếp được “ước mơ” học chữ, đổi đời gặp không ít khó khăn. “Những phần quà này quý hóa lắm, giúp cháu có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống, trong học tập”- bà Lê Thị Dàng, ngoại em Luyện bày tỏ. 
 
“Mô hình thật sự là “dấu ấn” đáng ghi nhận của đoàn viên thanh niên. Càng đáng mừng và xúc động hơn khi nhiều mạnh thường quân là những người con quê hương đã chủ động đóng góp bằng tiền mặt để đồng hành xuyên suốt mỗi tháng cùng chương trình, điển hình như chị Lê Thị Bình Phương, Bùi Thị Thuyền...” anh Thể vui mừng cho hay.
 
Rời Ba Tơ khi hoàng hôn đã phủ xuống đỉnh núi Cao Muôn, chúng tôi- những người trẻ ở miền xuôi thật ngưỡng mộ tấm lòng của những bạn trẻ ở vùng cao Ba Cung. Giờ đây, trên những con đường về các thôn, ve chai, phế liệu, giấy vụn trở nên thân thuộc hơn trong ánh mắt của người dân.
 
Mô hình đã tạo được lan tỏa sâu rộng về tinh thần "tương thân tương ái", lá lành đùm lá rách" tại các khu dân cư ở vùng nông thôn huyện Ba Tơ. Họ đã nối tiếp truyền thống cha ông bằng những hành động, việc làm hết sức ý nghĩa để nâng bước các em đến trường, góp phần vào công cuộc dựng xây vùng quê cách mạng.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.