Facebook trong học đường- ứng xử thế nào cho đúng?

02:09, 16/09/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Mạng xã hội Facebook, Zalo trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại với nhiều thành phần, nhiều giới sử dụng với tần suất ngày càng tăng. Học sinh- sinh viên sử dụng Facebook cũng không còn hiếm và quá xa lạ. Ngoài mục đích tích cực là chia sẻ thông tin trong học tập, kết nối bạn bè thì không ít trong số đó sử dụng Facebook để đăng các hình ảnh nhạy cảm, nói tục, xúc phạm nhau trên mạng… 

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, rất đông học sinh đang sử dụng mạng xã hội facebook. Theo Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) Lê Đức Quỳnh, khi đang ở độ tuổi nhạy cảm về tâm lý, tư tưởng, tình cảm, học sinh trung học rất dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tiêu cực từ mạng xã hội, đặc biệt việc chưa thật sự biết cách sử dụng facebook đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và gây ra nhiều tai nạn không đáng có. 
 
“Nhiều em sử dụng mạng xã hội làm nơi bày tỏ cảm xúc chứ chưa sử dụng với mục đích tích cực hơn như trao đổi học tập…”, thầy giáo Quỳnh nhấn mạnh.
 
Việc học sinh dùng những từ ngữ nhạy cảm trên facebook cũng phổ biến như một hiện tượng đáng lo ngại. Các em bắt chước nhau, nói mà không ý thức được sự không hay, không đẹp của những ngôn từ ấy. Hay những khi có chuyện bức xúc, các em lên mạng, bày tỏ thái độ về bạn bè, về thầy cô giáo một cách thoải mái, với những ngôn từ thô lỗ, thậm chí xúc phạm. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận. 
 
Thông tin trên mạng lan tỏa rất nhanh, rồi thậm chí bị thêm thắt, bóp méo, bàn tán... gây ảnh hưởng khó lường. Đây cũng là điều phổ biến trên mạng xã hội, nhất là khi facebook đã trở thành thứ gây nghiện với nhiều người.
 
Em Nguyễn Thanh Thanh, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, chia sẻ: “Ngày nay, trên mạng có rất nhiều tình huống học sinh đánh nhau, thay vì lên tiếng hay có những hành động can ngăn thì một số bạn xung quanh lại cầm điện thoại quay lại và đăng tải lên mạng câu like. Hành động đó rất đáng bị lên án”.
 
 
Các em cần tham gia nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống thay vì thường xuyên truy cập facebook
Các em cần tham gia nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống thay vì thường xuyên truy cập facebook
 
Cô giáo Trần Thu Hà, dạy môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Khiết, thừa nhận, nhờ facebook mà cô đã nắm bắt được tâm lý của học trò, biết được tâm tư, tình cảm của các em. Nhưng cô Hà cũng cho rằng, mặt trái của mạng xã hội lại là điều đáng quan tâm hơn. Nhiều em đăng những thông tin trái chiều ngay trong trường học của mình lên mạng với những lời lẽ thiếu chuẩn mực, xúc phạm thầy cô giáo. Đối với những trường hợp đó, các thầy cô giáo nên giải thích cho các em hiểu  ra rằng các em có quyền nói lên tiếng nói của mình nhưng phải nói chuẩn mực…  
 
Hiện chưa có trường học nào trên địa bàn tỉnh ra thông báo chính thức về những điều cấm kỵ khi sử dụng facebook đối với học sinh, dù thực tế học sinh dùng những từ ngữ nhạy cảm, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt khá phổ biến.
 
Dạy, giải thích cho học sinh của mình về những mặt trái của mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội là điều cần thiết mà các trường học nên làm. Vấn đề là cách thức tiến hành ra sao để thuyết phục và hiệu quả.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 

.