Những bạn trẻ chọn Quảng Ngãi làm nơi lập nghiệp

02:06, 10/06/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Các bạn đều là những người trẻ 9X, đến từ các tỉnh thành khác nhưng có chung một niềm đam mê lập nghiệp trên quê hương núi Ấn sông Trà. Với đồng vốn khiêm tốn nhưng nhờ tinh thần chịu thương, chịu khó, đam mê với thiết kế đồ họa, mỹ thuật, các bạn luôn kiên trì, nỗ lực để chinh phục thị trường “khó tính” như Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

“Tay không bắt giặc”

Đó là câu chuyện khởi nghiệp của cô gái Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 27 tuổi, quê ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ngọc gắn bó với Quảng Ngãi đã hơn 4 năm, kể từ thời điểm Ngọc chính thức theo chồng về làm dâu trên mảnh đất này.
 
Tốt nghiệp Trường Đại học Luật Kinh tế TP.HCM, trong tay không có một đồng vốn nào, ngoài số quà hồi môn của gia đình. Quá trình khởi nghiệp của cô gái 9X gặp không ít trở ngại mà chỉ có sự liều lĩnh, táo bạo mới có thể lèo lái một công ty từng có thời điểm “lên bờ, xuống ruộng”, gần như phá sản. Đó là Công ty TNHH HF.DECOR, với trụ sở chính tại ở TP.Quảng Ngãi.
 
 
Còn trẻ tuổi nhưng Ánh Ngọc đã sở hữu một công ty thiết kế nội thất.
Còn trẻ tuổi nhưng Ánh Ngọc đã sở hữu một công ty thiết kế nội thất quy mô.
 
Ngọc kể lại: “Thời điểm đó, vào năm 2016, mình như “tay không bắt giặc”, chẳng có gì ngoài kiến thức lý thuyết về luật kinh tế trong những năm theo học ở trường và kinh nghiệm sau khi làm trợ lý cho một vài công ty thiết kế nội thất nổi tiếng. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu, khảo sát, nhận thấy thị trường bất động sản của Quảng Ngãi ngày càng sôi động, kéo theo đó là nhu cầu xây dựng nhà ở ngày một tăng cao ở các khu đô thị. Thế là, em quyết định liều lĩnh một phen”.
 
Môi trường mới mẻ, tuổi còn khá trẻ, lại khởi nghiệp trong một lĩnh vực trái nghề được đào tạo và thường chỉ dành cho nam giới, khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, chính từ sự động viên của gia đình chồng, Ngọc “chạy” khắp nơi để gom vốn gần 1 tỷ đồng và mua lại HF.DECOR. Khó khăn chưa dừng lại, ngay sau khi sở hữu công ty, Ngọc tá hỏa khi biết mình phải chịu thêm khoảng nợ hàng trăm triệu đồng do cách làm ăn kém hiệu quả của những người đi trước.
 
Từ chỗ công ty
Từ chỗ gần như phá sản, Ngọc đã đưa công ty ngày càng phát triển và tạo được niềm tin với khách hàng.
 
Để điều hành và cứu được công ty, cô gái nhỏ nhắn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Đầu tiên đó là thương thảo với khách hàng để kéo dài thời gian trả nợ. Không nề hà bất kỳ việc gì, Ngọc lao vào làm việc như bao nhân viên khác. Đồng thời, chịu khó tìm tòi và học hỏi, áp dụng các công nghệ tiên tiến của Châu Âu trong việc sản xuất, tạo niềm tin riêng cho khách hàng về chất lượng sản phẩm gỗ công nghiệp ở Quảng Ngãi.
 
“Để có sự tin tưởng của khách hàng, em đã luôn đặt mình vào suy nghĩ của khách hàng. Nhiều người cả một đời lặn lội tích lũy xây dựng được cái nhà, bỏ một số tiền lớn để ngôi nhà của mình đẹp hơn và khang trang hơn theo đúng yêu cầu thì đó là điều họ rất mong đợi. Chính vì thế, mình phải cẩn thận hết mức từ khâu nhập nguồn nguyên liệu chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, sau đó phải hết sức tỉ mĩ trong các công đoạn thiết kế và thi công”, Ngọc bày tỏ.
 
Từ chỗ công ty gần như phá sản, đến nay, sau hơn 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm nội thất do công ty Ngọc làm ra đã chinh phục được thị trường “khó tính” như Quảng Ngãi, vươn ra cả Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM, với tổng thu nhập trên 7 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động Quảng Ngãi với mức lương từ 4- 10 triệu đồng/tháng. Nhiều khoản nợ lớn từ khách hàng phần lớn đã trả xong và Ngọc đang nỗ lực phấn đấu để phát triển công ty lên một tầm cỡ mới.
 
Khởi nghiệp với nghệ thuật
 
Nhắc đến khởi nghiệp, nhiều người thường nghĩ ngay đến một dự án, mô hình kinh tế qui mô. Tuy nhiên với Nguyễn Thị Thu Hằng, 26 tuổi, một cô gái 9X khác đến từ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế lại chọn cho riêng mình con đường khởi nghiệp với nghệ thuật bằng chính tài năng nghệ thuật.
 
Vốn có năng khiếu vẽ tranh, từ nhỏ Hằng ấp ủ sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi Hằng tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật. Tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng loại ưu, thế nhưng Hằng không có cơ duyên để gắn bó ở nơi mà môi trường sáng tác mỹ thuật phát triển sôi động như Huế. Hằng phải bôn ba đến tận Quảng Ngãi để lập thân, lập nghiệp, thực hiện ước mơ của tuổi trẻ.
 
Hằng giới thiệu với khách hàng về một tác phẩm tranh do mình thực hiện.
Thu Hằng giới thiệu với khách hàng về một tác phẩm tranh vẽ do mình thực hiện.
 
Sau lần hùn vốn cùng một người bạn để thực hiện các dự án mỹ thuật thất bại, không chấp nhận trở về “tay không” sau nhiều năm tha hương, nhận thấy tranh thị trường ở Quảng Ngãi phát triển còn chậm, đón đầu thị hiếu khách hàng trong tương lai gần, cách đây gần 2 năm, từ số tiền 50 triệu đồng vay mượn từ gia đình, bạn bè, Hằng thuê mặt bằng mở phòng tranh cho riêng mình với tên gọi Trường Tiền, gợi nhớ về cây cầu nổi tiếng ở quê hương. Đây không chỉ là nơi để cô gái trẻ thực hiện ước mơ nghệ thuật, mà còn là cơ hội để Hằng khởi nghiệp như bao người trẻ.
 
Để có vốn duy trì phòng tranh và trả lương cho nhân viên, Hằng liên kết với nhóm các họa sĩ trẻ để nhận các dự án vẽ tranh trên tường cho các trường học, quán cà phê, “lấy ngắn nuôi dài”. Dần dà, vốn đầu tư được nâng lên hàng trăm triệu đồng.
 
“Vẽ tranh trên tường đang là trào lưu được ưa chuộng của nhiều người nhờ sự độc đáo, đa dạng trong thể loại, chất liệu và chi phí không cao, mang đến một không gian năng động, trẻ trung. Vì thế, những người làm nghề có thể “sống khỏe” với mức giá từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng/1m2”, Hằng cho biết.
 
Tranh tường.
Thu Hằng thực hiện vẽ tranh trên tường cho một trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi với kinh phí 100 triệu đồng. Đây chính nguồn vốn để Hằng tái đầu tư lại cho phòng tranh của mình. 
 
Mặc dù nằm nép mình tại một góc nhỏ trên đường Quang Trung, TP.Quảng Ngãi nhưng phòng tranh luôn thu hút nhiều khách hàng với đủ độ tuổi, từ những em học sinh, sinh viên đến những vị khách lớn tuổi đến tham quan và mua tranh với đủ các chất liệu như gỗ, sơn dầu, thêu tay, thêu máy, tranh đồng… nhờ sự chuyên nghiệp từ khâu làm khung đến sáng tạo các tác phẩm, giá cả phù hợp.
 
Đặc biệt, hàng trăm tác phẩm về các danh lam thắng cảnh ở Quảng Ngãi: núi Thiên Ấn, sông Trà, chiều Cổ Lũy, đập Thạch Nham, cảnh đẹp về Lý Sơn… do chính Hằng đi thực tế và sáng tác luôn chinh phục được những người Quảng Ngãi xa quê.
 
Được đào tạo chuyên nghiệp về mỹ thuật, ước mơ của cô gái Huế không dừng lại phòng tranh, trong thời gian đến, Hằng có dự định sẽ mở một trung tâm ươm mầm tài năng nghệ thuật cho thiếu nhi Quảng Ngãi, nhất là ở lĩnh vực mỹ thuật.
 
Ngọc hay Hằng đều sinh ra trong một gia đình đông con, hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình phải rất chật vật mới có thể nuôi các bạn có đến trường và có tấm bằng đại học “dắt lưng”  bước vào đời. Các đấng sinh thành chỉ mong các bạn có một công việc ổn định ở một công ty, cơ quan nhà nước để thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 
 
Chuyện khởi nghiệp và làm chủ một công ty, cửa hàng đó là điều nhiều người không nghĩ đến tại quê hương thứ hai này. Nghị lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp bằng nguồn vốn eo hẹp chính là những tấm gương nghị lực để nhiều bạn trẻ noi theo.
 
Bài, ảnh: Xuân Yên
 
 
 

.