Mải mê lướt web, hững hờ với văn hóa đọc

10:09, 08/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, thì sách không còn là phương tiện duy nhất để tìm đến tri thức của giới trẻ...

TIN LIÊN QUAN

Khi đời sống nâng cao, công nghệ thông tin bùng nổ, giới trẻ đều có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh giá rẻ. Với chiếc điện thoại nối mạng 3G, wifi, các bạn trẻ có thể kết nối thông tin mọi lúc, mọi nơi. Người thì tìm hiểu thông tin phục vụ công tác, kinh doanh, người thì xem đó là phương tiện giải trí...

Nhu cầu cần biết thông tin, những sự việc đang diễn ra là cần thiết, nhưng đáng lo ngại là ngày càng có nhiều người trẻ “nghiện facebook". Nhiều chuyên gia cho rằng, cách đọc lướt, xem hình ảnh trên các mạng xã hội chỉ là những thông tin hời hợt, ít có giá trị, mang tính giải trí nhất thời. Vì vậy, nếu dành thời gian đọc một cuốn sách, hay một tờ báo thì chắc chắn sẽ có nhiều thông tin sâu hơn.

Ngày nay giới trẻ tìm đến các hiệu sách ngày càng thưa vắng.
Ngày nay giới trẻ tìm đến các hiệu sách ngày càng thưa vắng.


Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều cửa hàng bán các loại thiết bị nghe nhìn, trong khi đó các quày, cửa hàng bán sách thì ngày càng ít dần. Tại cửa hàng sách Fahasa (siêu thị Coop.mart TP.Quảng Ngãi), có nhiều loại sách, nhưng bán khá chậm. Khách đến chỉ xem và mua sách giáo khoa cho con em là chính.  “Có một thời gian ngắn, lớp trẻ đọc sách theo phong trào, như đọc những cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhà sách phải đặt nhiều lần mới đủ để đáp ứng, còn nay thì đều vắng  khách mua”, chị Phước - Phó quày sách Fahasa, cho biết.

Hằng năm, Nhà nước cung cấp rất nhiều sách, báo cho thư viện các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng hiệu quả sử dụng thì không như mong đợi, lượng khách đến ngày càng thưa dần. Bà Phan Thị Thu Vân – chuyên viên thư viện TP.Quảng Ngãi cho biết: “Thư viện có rất nhiều cuốn sách hay, phong phú về nội dung lẫn hình thức, nhưng giới trẻ ít  đến đọc...”.

Tại thư viện các trường học, các huyện cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là một trong những nguyên nhân mà trong những năm gần đây, vốn từ ở các bài viết văn của học sinh rất hạn chế. Nhiều em vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều, nên ảnh hưởng cả trong lời nói, lẫn cách dùng từ để viết...

Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: Ngày nay trên mạng xã hội có quá nhiều thông tin tốt, xấu xen lẫn nhau. Nếu ngay trên ghế nhà trường, các đơn vị, tổ chức, ngành chức năng không định hướng cho trẻ nên đọc loại hình nào, thông tin nào bổ ích thì rất dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động sai lệch...

Cũng theo ông Chư, ngày trước, khi phương tiện thông tin còn hạn chế, lớp trẻ muốn hiểu biết tri thức chỉ có con đường đọc sách, giúp các em tích lũy được nhiều điều bổ ích... Còn ngày nay, không phủ nhận sự tiện ích của các thiết bị phương tiện thông tin, nhưng cần phải dung hòa giữa đọc sách và sử dụng mạng xã hội, thì mới có thời gian nghiên cứu, bồi bổ tâm hồn, phát triển tư duy...

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.