Đã từng có những thanh niên như thế:
Kỳ 1- Người Bến Tre đầu tiên hy sinh ở "Hà Nội mùa Đông 1946"

09:09, 28/09/2016
.
Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Người Bến Tre ấy là ông Dương Trung Hậu- thân sinh của nhà sử học Dương Trung Quốc. Khác với số đông người Việt trên đường Nam tiến thì ông cụ thân sinh ra ông Hậu lại từ Bến Tre ra Bắc và định cư ở Hà Nội từ năm 1917, sống ở giữa phố Hàng Đường cổ kính và lấy người vợ Bắc, sinh cơ lập nghiệp rồi tham gia thành lập Hội Nam Kỳ tương tế để tăng mối liên lạc giữa người Nam với người Nam sống trên đất Bắc và với người Bắc ngay trên đất Kinh kỳ xưa.

Ông Hậu sinh ra ở Hà Nội, lại là con một, tốt nghiệp trường Luật đúng lúc đất nước đang chuyển mình. Lấy vợ lại là con một nghiệp chủ giàu có, chủ Nhà máy Rượu và cả một góc khu phố Ái Mộ bên kia cầu Long Biên. Đã có 2 mặt con thì cách mạng thành công và có thêm một đứa con nữa còn nằm trong bụng mẹ thì cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Là con một trong gia đình có mẹ già, 2 con nhỏ và người vợ còn bụng mang dạ chửa, ở tuổi 27, ông thu xếp gia đình tản cư ra ngoại thành rồi quay lại thành phố cùng những người bạn đồng lứa, đồng môn hay đồng phố, tự bỏ tiền mua sắm khí giới tham gia những đơn vị "tự vệ thành" cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội...

 

Những thành viên đầu tiên của đội Vệ quốc quân bảo vệ thủ đô. Ảnh Dân Trí
Những thành viên đầu tiên của đội Vệ quốc quân bảo vệ thủ đô. Ảnh Dân Trí


Chỉ hai tuần sau khi cuộc chiến bùng nổ, ông hy sinh vào ngày cuối cùng của năm 1946 ngay tại địa điểm Trường Ke (nay là Trường Trần Nhật Duật) gần bờ sông Hồng và đối mặt với lực lượng quân viễn chinh Pháp bố trí hỏa lực từ phía cầu Long Biên. Đồng đội bọc thi hài ông vào lá cờ Tổ quốc rồi chôn ngay gốc đa trước đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch ngay gần cổng sau ngôi nhà của ông mặt tiền nhìn ra phố Hàng Đường.

Quân ta rút khỏi Thủ đô sau 60 ngày đêm máu lửa, đồng đội của ông rút lên chiến khu trường kỳ kháng chiến nhưng nhắn về cho gia đình của ông về địa điểm chôn cất. Mẹ, vợ và các con ông hồi cư về Hà Nội để bí mật cải táng ông vào ngôi nhà chung của dân Nam sống trên đất Bắc. Đó là Nghĩa trang Nam Kỳ tọa lạc ở phố Nguyễn Công Trứ để cho đến ngày Giải phóng Thủ đô (1954), những đồng đội của ông từ chiến khu khải hoàn trở về tìm đến và rước ông qua Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch vừa mới xây. Còn đứa con trong bụng mẹ, 6 tháng sau khi liệt sĩ Dương Trung Hậu hy sinh mới lọt lòng, nay là Dương Trung Quốc.

Sẽ rất khó cho chúng ta bây giờ hình dung những hành động anh hùng “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng” của những tự vệ thành Hà Nội tháng Mười Hai năm Một Chín Bốn Sáu ấy. Họ đã ôm bom ba càng lao vào xe tăng giặc. Họ đã bằng những khẩu súng trường bắn phát một ngăn chặn những binh đoàn của quân Pháp khi chúng muốn tái chiếm Hà Nội. Họ đã mở đường máu đưa Bác Hồ và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thoát khỏi vòng vây giặc.

Và cuối cùng, họ đã lặng lẽ rút qua gầm cầu Long Biên sau khi hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn địch. “Đêm/Cái đêm rút qua gầm cầu/Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi…/” ( thơ Tạ Hữu Yên-nhạc Nguyễn Thành). Những người đã ra đi để tiếp tục cuộc kháng chiến, trong cái ngoái đầu đau đớn khi họ nhìn về phía sau “Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Thơ Chính Hữu), họ đã ngoái đầu tiễn biệt những đồng đội của mình mãi mãi nằm lại với Thủ đô, nằm lại trên từng chiến lũy của Ba mươi sáu phố phường.

Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến, 70 năm Thủ đô oai hùng của chúng ta đứng lên đương đầu với một lực lượng xâm lăng vô cùng hùng mạnh. Để nhớ lại những chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội đã hy sinh, như người thanh niên trí thức Dương Trung Hậu đã hy sinh.
 
(Còn nữa)

 

.