Vượt lên nghịch cảnh

05:08, 17/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số phận tưởng chừng như đã đánh gục họ, nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực, họ đã vượt lên nghịch cảnh để có một cuộc sống giàu ý nghĩa.  

TIN LIÊN QUAN

"Nốt thanh" của Tiếng

Về thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn) hỏi thăm Đỗ Ngọc Tiếng (31 tuổi), người mang trong mình di chứng chất độc da cam từ bé, ai cũng tấm tắc khen nghị lực của chàng thanh niên này. Với nghị lực sống và luôn hy vọng về ngày mai tươi sáng, anh đã vượt qua những khó khăn, trở ngại của bệnh tật, cần cù lao động, sản xuất, giúp đỡ gia đình bớt cảnh chật vật.

Kể về quãng thời gian lúc Tiếng mới chào đời, bà Nguyễn Thị Lộc, mẹ của Tiếng, không khỏi xót xa. Ngày đó, sinh Tiếng ra, gia đình chưa kịp vui thì đã nhận bi kịch, khi Tiếng bị di chứng chất độc da cam.

Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Tỏa sáng nghị lực Việt cho anh Đỗ Ngọc Tiếng.
Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Tỏa sáng nghị lực Việt cho anh Đỗ Ngọc Tiếng.


Nhưng đó chưa phải là nỗi đau tột cùng, khi đứa em của Tiếng là Đỗ Ngọc Tấn (24 tuổi) ra đời sau đó lại bị bệnh nặng hơn, không có khả năng  sinh hoạt bình thường. Có lẽ vậy mà sức sống mãnh liệt đã được hun đúc trong con người Tiếng. Dù đi lại khó khăn, nhưng Tiếng vẫn tần tảo làm lụng để chăm lo cho gia đình. Ngày nào khỏe, Tiếng lên rừng chặt cây sằm về phơi khô, giũ lá rụng, rồi bó chổi để bán.

Tiếng cứ quần quật làm việc, nên cha mẹ sinh lo cho đứa con bệnh tật của mình. Tiếng bảo, nghỉ ngơi sao được, cha mẹ già yếu, đứa em bị bệnh không làm gì được, Tiếng phải trở thành điểm tựa cho gia đình. Nghĩ vậy, nên anh cố gắng chăm sóc mấy con bò để có vốn phòng lúc gia đình cần tiền.

Những lúc “nông nhàn”, anh còn tranh thủ bán vé số kiếm thêm thu nhập. “Vì bị tật nguyền, nên mình chọn những công việc phù hợp với sức khỏe để đỡ đần cho gia đình. Mình mong ước có một cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật nào đó để theo học, tự lo cuộc sống cho bản thân sau này, chứ sức khỏe thế này không thể mãi lên núi được”, Tiếng thổ lộ.  
 

Biết được nghị lực của 2 chàng trai Đỗ Ngọc Tiếng và Huỳnh Như Ý, Quỹ Tỏa sáng nghị lực Việt tỉnh đã dành tặng mỗi em 5 triệu đồng. Đây là món quà động viên Tiếng và Ý tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ, gắng sức xây dựng cho mình một tương lai tươi đẹp.

Đời không như ý

Vì cuộc sống khốn khó trên vùng đất cát Đức Minh (Mộ Đức), nên khi sinh hạ đứa con trai út, người mẹ đã đặt tên cho con là Huỳnh Như Ý, với mong muốn đời con mình bớt trắc trở. Nhưng không may, từ nhỏ Như Ý đã mắc căn bệnh rối loạn đông máu. Mẹ Ý kể, năm 2007, lúc Ý mới 8 tuổi, gia đình chạy tiền đưa em vào điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh).

Kết quả xét nghiệm, Như Ý mắc chứng bệnh Hemophilia A, yếu tố đông máu VIII chỉ có 1%. Căn bệnh nghiệt ngã làm Như Ý bị teo cơ chân phải, không được đụng đến những vật dụng cứng, các hoạt động mạnh có thể gây va chạm, xây xước đổ máu hoặc xuất huyết gây bầm khớp.

Bi kịch nối tiếp khi tháng 10.2011, Như Ý bị tai nạn, phải chuyển viện ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị mất 4 tháng. Phải truyền rất nhiều đơn vị máu, mỗi lần chữa bệnh như vậy, chi phí lên đến cả trăm triệu đồng, nên ba mẹ em phải cật lực làm nông và chăn nuôi để có tiền chữa bệnh cho em. Chống chọi với bệnh tật, nhiều lúc Như Ý muốn nghỉ học, nhưng mỗi khi nghĩ đến cha mẹ đã cố gắng lo cho em, Như Ý lại rũ bỏ phiền muộn, tiếp tục đến trường để khỏi phụ lòng cha mẹ.

Với quyết tâm theo đuổi việc học để sau này tự lo được cho bản thân, hằng ngày Ý phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ, khiến bạn bè, thầy cô quý mến. Từ những năm tiểu học đến giờ, năm nào Như Ý cũng đạt danh hiệu học sinh khá hoặc giỏi. Như Ý chia sẻ, dù bệnh tật hành hạ, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng em vẫn đặt mục tiêu phấn đấu là phải thi đậu đại học và có việc làm để lo cho bản thân, phụ giúp bố mẹ.
 

Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

 


.