Sức mạnh từ đôi tay tật nguyền

03:08, 26/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không có được cơ thể lành lặn như những người bạn đồng trang lứa, nhưng nghị lực của cậu bé Bùi Tấn Lân đã trở thành niềm tự hào của cả gia đình và là tấm gương sáng đối với bạn bè. Lân đã nỗ lực không ngừng trong học tập để khẳng định mình là một người khuyết tật, nhưng không “khuyết” ý chí.

TIN LIÊN QUAN

Ở thôn 3, xã Đức Tân (Mộ Đức) không ai là không biết đến cậu bé Bùi Tấn Lân học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Văn Đồng. Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng Lân lại là người thiệt thòi nhất, vì cơ thể em không được lành lặn. Ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam/đioxin từ ông nội nên từ khi lọt lòng Lân đã bị chứng teo cơ, chân  tay cứ co rút lại từng ngày.

“Dồn hết khả năng để chạy chữa khắp nơi cho con, nhưng bác sĩ ở đâu cũng lắc đầu bảo cháu phải chung sống với nó đến suốt đời...”, ông Bùi Tấn Chất, cha Lân chia sẻ.

 

Ước mơ của Lân là được làm công việc trong lĩnh vực CNTT.
Ước mơ của Lân là được làm công việc trong lĩnh vực CNTT.


Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè ngày 2 buổi tung tăng cắp sách đến trường, nô đùa cùng nhau trên đoạn đường từ trường về nhà ngang qua nhà mình làm Lân thèm đến phát khóc. “Con muốn đi học”- Lân bày tỏ với bố mẹ ước mơ của mình. Thực hiện mong muốn cho đứa con trai thiệt thòi là điều ông Chất luôn đau đáu.

Thế là ông lặn lội đến trường xin các thầy cô để Lân được đến lớp. Thời điểm đó, trường tiểu học thường không nhận học sinh khuyết tật, vì môi trường lớp học không phù hợp với thể trạng của trẻ khuyết tật. Nhận được cái lắc đầu không ít lần, nhưng ông Chất vẫn kiên trì xin để Lân được đến lớp.

Cảm nhận được mong muốn mãnh liệt của gia đình và cậu học trò nhỏ, nhà trường đã đón Lân bước vào những năm học đầu đời. Đôi bàn tay co quắp của Lân nỗ lực cầm viết, nắn nót từng con chữ. Biết mình viết chậm hơn các bạn, nên Lân luôn cố gắng nghe bài thật kỹ, mượn lại tập vở của bạn để chép bài đầy đủ. “Viết đau lắm! Nhưng con phải cố gắng thôi, vì con muốn được đến lớp...”, Lân bộc bạch.

Lân bảo rằng, em rất thích những môn tự nhiên, vì viết ít và giúp cho tư duy logic của Lân được hoạt động hết công suất. Nghĩa là, “chỉ cần vận dụng đầu óc, ít sử dụng chân tay ấy”, Lân giải thích. Nói vui như thế, nhưng đối với bất kỳ môn học nào, Lân cũng dồn hết tâm huyết của mình để có thể đạt thành tích tốt nhất.

“Cho cháu đi học để nó được thỏa ước nguyện thôi, mình cũng không mong nó giỏi giang gì, chỉ mong nó học được cái chữ là tốt rồi. Ấy vậy mà không ngờ...”, mẹ Lân tự hào nói. Mà đúng là không ngờ thật, 11 năm học trôi qua là 11 năm liền cậu bé Lân được xướng tên trong ngày tổng kết năm học về thành tích học tập đáng nể.

Đồng hành bên cạnh Lân không chỉ có gia đình, mà luôn có những người bạn thân thiết luôn giúp đỡ Lân trong học tập cũng như cuộc sống. Lân vui vẻ bày tỏ: “Con có nhiều bạn lắm. Các bạn thay phiên nhau chở đến trường, giúp con trong việc học ở trường”. Nói về ước mơ của mình, Lân nói: Con muốn làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin.

Nói vậy rồi Lân đưa tay chỉ vào chiếc máy tính bàn đã cũ nằm trong góc học tập gọn gàng của mình, nói:  “Có thể con viết không bằng ai, nhưng thao tác máy tính thì chắc rằng không thua kém mọi người”… Năm học vừa rồi, Lân cũng đã đạt giải ba quốc gia trong cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay.

Không may mắn khi phải “sở hữu” đôi tay và đôi chân tật nguyền, nhưng rồi với ý chí mạnh mẽ đã giúp Lân có những bước đi vững chắc và tự tin vào tương lai của chính mình.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.