"Ông chủ" tuổi 27 khởi nghiệp với 4 triệu đồng

02:08, 07/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Dù bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam nhưng chàng thanh niên Nguyễn Siêu Khoa, 27 tuổi, ngụ ở xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn) đã vượt qua bệnh tật, vươn lên làm giàu từ trang trại rộng hơn 3ha, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 
Tốt nghiệp phổ thông…
 
Sinh ra trong cuộc đời ai cũng mong ước mình có một cơ thể khỏe mạnh, với những điều tốt đẹp nhưng có những số phận lại không mỉm cười với họ. Tuy vậy, bằng ý chí và nghị lực của mình, có rất nhiều người đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Nguyễn Siêu Khoa là một trong số những người như thế. 
 
Khoa bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, nỗi đau do chiến tranh để lại. Di chứng ấy bắt đầu từ người cha, một người lính chiến trường gan dạ từng vào sinh ra tử ở những trận đánh khốc liệt thời chống Mỹ. 
 
Cha Khoa không sợ súng đạn, cái chết… nhưng nỗi ám ảnh về chất độc hoá học sẽ mãi không bao giờ nguôi, đặc biệt là khi chứng kiến thế hệ con cháu của mình- những nạn nhân gián tiếp suy còi về thể trạng. Khuyết điểm ấy đã khiến cho Khoa- con trai út và hai người con khác của ông phải chịu thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa. 
 
Đàn heo rừng của Khoa.
Đàn heo rừng của Khoa.
 
Riêng Khoa, em bị khiếm thính. Dẫu vậy, em vẫn vượt khó vươn lên để trụ bám cùng con chữ. Tuy nhiên, vừa tốt nghiệp xong cấp ba, biết rõ khả năng và những khuyết điểm trên cơ thể mình, Khoa từ bỏ giấc mơ đại học như bao bạn bè. Khoa chọn ngay cho mình con đường lập nghiệp trên chính quê hương. 
 
Khoa chia sẻ: “Sức khỏe yếu, tai lại khó nghe nên em quyết định không thi vào đại học. Em nghĩ, đại học không phải là con đường duy nhất đem lại thành công. Em chọn ở lại quê mình để hồi sinh mảnh đất chết, bắt nó phải đem lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình”. 
 
… về làm trang trại
 
Ít ai biết được, con đường khởi nghiệp ban đầu của Khoa chỉ có vỏn vẹn 4 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm này, Khoa đánh liều mua 2 con heo rừng nuôi thả trong vườn. Sau đó, Khoa đầu tư chuồng trại, làm rào chắn bằng lưới thép; trồng bạch đàn tạo bóng mát để heo có môi trường tự nhiên để sinh trưởng, phát triển. 
 
Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp, chàng trai trẻ đã sở hữu đàn heo rừng lên đến 20 con, bình quân mỗi năm heo rừng nái đẻ từ 7-9 heo con, trừ chi phí, Khoa thu về 50 triệu đồng. 
 
Nhận thấy việc chăn nuôi hiệu quả, Khoa bàn với cha của mình về mô hình nuôi kết hợp vườn- ao- chuồng và được ông gật đầu đồng ý ngay. Từ đó, hơn 3ha đất lâm nghiệp giao cho Khoa  tự quyết. 
 
“Trang trại có địa thế thuận lợi, thứ nhất nó nằm song song với kênh dẫn nước Thạch Nham nên không lo thiếu nguồn nước. Thứ hai nó gần với quốc lộ nên tiện cho việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi cũng như mua bán”- Khoa phấn khởi khoe. 
 
Giấc mơ làm giàu của chàng trai “da cam” không hề có điểm dừng. Khoa tiếp tục dành một phần diện tích đất để trồng cỏ nuôi bò. Với 5 con bò lai sinh sản, mỗi năm cho ra đời 3 con bê con. Giá cả thị trường từ 15- 18 triệu đồng/ bê con, Khoa có thêm 50 triệu đồng "bỏ túi"
 
Khoa chăm sóc vườn keo giâm hom.
Khoa chăm sóc vườn keo giâm hom.
 
Tìm hiểu thấy keo lai có giá trị kinh tế cao, Khoa mạnh dạn cải tạo 2ha đất trồng keo và lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm tự động để ươm keo giâm hom. Mỗi năm trang trại ươm khoảng 600 ngàn cây để xuất bán ra thị trường, đem về khoảng lời đáng kể lên tới 80 triệu đồng. Ngoài ra, sau khoảng 4 năm, Khoa kiếm được 160 triệu đồng từ tiền thu hoạch keo từ 4-5 năm tuổi.
 
Chưa dừng lại ở đó, Khoa còn đào hơn 4.200m2 ao để thả nuôi khoảng 1.000 con cá gáy vào mùa mưa, thu hoạch mỗi lứa được 15 triệu đồng. Trang trại còn nuôi thêm trên 200 con gà thịt vào dịp Tết để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, em còn trồng 5 sào mì cùng một số loại cây ăn quả như chanh, bưởi… 
 
Từ 4 triệu đồng ban đầu tạo ra được cơ ngơi hôm nay, Khoa chưa bao giờ nghĩ đến. Thành công bước đầu của Khoa đó là biết biến diện tích đất hoang hóa, khô cằn thành một khu trang trại có một không hai mà không có bất kỳ khoản nợ nào.
 
Hơn thế nữa, trang trại đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 lao động thường xuyên tại địa phương. “Em không vội làm ăn lớn, chỉ tiến từng bước bằng việc lấy ngắn nuôi dài. Cách làm này rất chắc ăn, mang tính bền vững cao”- Khoa bộc bạch. 
 
Tình nguyện viên hăng hái
 
Có thể nói, một người như Khoa để làm được việc mà người bình thường hay làm đã khó chứ chưa nói đến chuyện khác. Ấy vậy mà, Khoa đã làm được nhiều điều kỳ tích.
 
Dù bận rộn, sức khỏe kém nhưng Khoa không bỏ qua các hoạt động Đoàn do địa phương, Câu Lạc bộ nhiệt huyết trẻ, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Tỉnh đoàn phát động. 

Gần đây nhất, là việc Khoa bỏ công sức cùng với Tỉnh đoàn vận động tiêu thụ giúp nông dân xã Bình Thanh Tây 200 tấn dưa ế ẩm do thương lái ép giá, không thu mua đành bỏ ngoài ruộng. Đóng góp ấy đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mọi người.

Chị Tống Thị Nguyên Thu- Nguyên là Bí thư Đoàn xã Bình Thanh Tây cho biết, những ngày dưa hấu bị ép giá, dù không phải là đoàn viên của địa phương nhưng Khoa luôn có mặt để hỗ trợ bà con nông dân. Cảm giác cứ như là khi nào khó thì có ngay Khoa vậy.
 
Câu nói ngắn gọn đã lột tả phần nào cống hiến của chàng trai trẻ này. Về dự định trong tương lai, Khoa bộc bạch, chỉ mong trang trại ăn nên làm ra và được hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô. Bởi có tiền thì Khoa càng có cơ hội đóng góp cho xóm làng nhiều hơn nữa.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.