Sống là phải biết vươn lên

01:06, 09/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là lời chia sẻ của hai thanh niên khuyết tật Nguyễn Hữu Thọ (28 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) và Nguyễn Hồng Hà (33 tuổi) ở thôn Thạch Nội, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh). Dù số phận không mỉm cười, cơ thể không được lành lặn nhưng các anh vẫn mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh để sống có ích và là trụ cột của gia đình.

Trụ cột gia đình

Năm 3 tuổi, Thọ bị teo cơ, liệt đôi chân sau một cơn sốt, từ đó trở thành người khuyết tật. Nhà nghèo, có đến 8 anh chị em nên học hết cấp 1, biết đọc biết viết, Thọ chuyển sang học nghề sửa xe máy để có tiền phụ giúp gia đình. “Chẳng có ai định hướng cả, thấy khả năng như thế nào thì chọn nghề như thế đó thôi. Tôi không đi lại bình thường nên chỉ có nghề sửa xe mới phù hợp.

Năm 10 tuổi tôi đã xác định sẽ theo nghề này rồi”, anh Thọ chia sẻ. Vậy là sau 4 năm kiên trì vừa học vừa làm, 15 tuổi, Thọ chính thức trở thành một người thợ thực thụ, với mức lương 700 nghìn đồng/ tháng.

Dù đôi chân bị liệt thế nhưng Nguyễn Hữu Thọ vẫn cố gắng lao động, là trụ cột của gia đình.
Dù đôi chân bị liệt thế nhưng Nguyễn Hữu Thọ vẫn cố gắng lao động, là trụ cột của gia đình.


Đôi chân co quắp, phải bò trườn mới có thể di chuyển nhưng anh luôn cố gắng vượt lên nỗi đau thể xác để kiếm tiền, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Năm 2011, anh lập gia đình và mở tiệm sửa xe của riêng mình. Dù phải vừa nuôi vợ và hai con, cuộc sống khá chật vật nhưng anh luôn nỗ lực không ngừng để là trụ cột, gánh vác gia đình nhỏ.

Quãng đường từ nhà anh ra đến cửa tiệm chỉ hơn 500m, nhưng với một người không có đôi chân lành lặn như anh Thọ là một quãng đường dài. Chứng kiến anh mang đôi chân giả, chống nạng, mới thấy được sự vất vả mà anh phải chịu đựng, nhưng trên bước đường ấy, tinh thần lạc quan, không khuất phục khó khăn vẫn luôn hiện hữu trong anh.

“Thọ là chàng trai khuyết tật đầy bản lĩnh. Trên đất đảo, hiếm có thanh niên nào bị tàn tật mà lại sống có ích, chăm chỉ làm việc như Thọ. Anh chính là tấm gương để nhiều bạn trẻ học tập và noi theo”, anh Võ Trí Thời- Phó Bí thư Huyện Đoàn Lý Sơn, cho biết.

Phải biết nuôi dưỡng ước mơ

Đó là phương châm sống để anh Nguyễn Hồng Hà vượt lên những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Bị nhiễm chất độc da cam từ cha khiến tay chân anh Hà bị đùn lại, với chiều cao chỉ hơn 1,3m. Sớm hiểu rõ những khiếm khuyết của bản thân, ngay từ nhỏ Hà đã nỗ lực, học tập chăm chỉ để mong có một tương lai tươi sáng hơn.

Suốt 12 năm học, Hà đều đạt học lực khá, giỏi và là đoàn viên năng động trong các công tác hội. Đến khi tốt nghiệp THPT vì không có khả năng đi học xa nhà, anh chọn ngành điện tử, tự động của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất để theo học.

 

Nguyễn Hồng Hà luôn chăm chỉ làm việc để thực hiện ước mơ xây dựng được một trang trại.
Nguyễn Hồng Hà luôn chăm chỉ làm việc để thực hiện ước mơ xây dựng được một trang trại.


Sau hơn 2 năm học tập, anh đi làm cho vài cửa hàng điện tử thế nhưng vì phương tiện di chuyển hạn chế, sức khỏe yếu cùng chiều cao khiêm tốn khiến anh không thể trụ lại với nghề. “Không làm việc này thì sẽ có việc khác để làm”, nghĩ vậy năm 2012, anh Hà quyết định ở nhà chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại. Từ 1-2 con bò ban đầu, anh Hà dần dần gầy dựng được 3-4 con rồi đến 8 con. Ngoài ra, anh còn trồng cỏ, chăn nuôi thêm gà, vịt...

Mới đây, anh Hà đã lập gia đình với một người đồng cảnh ngộ. Chị Sang, vợ anh Hà bị teo cơ một bên chân, nhưng bù lại cả hai anh chị đều cần cù, chăm chỉ lao động. Hằng ngày, anh tất bật với mấy sào cỏ, chăm bò, gà, còn chị thì đi bán vé số.

Hai con người khiếm khuyết bù đắp cho nhau, chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng, như lời anh chị tâm sự, chỉ cần biết phấn đấu vươn lên thì bản thân mỗi người sẽ có những giá trị nhất định và góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: HIỀN THU

  

 


.