Tâm huyết với công tác Đoàn vùng cao

03:05, 05/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương là sự ghi nhận những cống hiến cho công tác Đoàn của thượng úy Huỳnh Bá Dũng, Bí thư Chi đoàn Quân sự huyện Sơn Tây...

"Đi dân nhớ, ở dân thương"

Đến vùng cao Sơn Tây, trong câu chuyện của đồng bào luôn nói về “cán bộ Dũng” gần dân, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của dân. Trong một lần thượng úy Huỳnh Bá Dũng cùng đồng đội và các đơn vị tổ chức khai thông kênh mương tại thôn Nước Lang, xã Sơn Long. Đến trưa, khi vào nhà dân, thượng úy Dũng phát hiện Đinh Văn Mu (19 tuổi), nằm liệt trong nhà, đầu gối chân trái sưng vù, bầm tím.

Thượng úy Huỳnh Bá Dũng đã có nhiều cống hiến, đóng góp thiết thực cho đồng bào vùng cao.
Thượng úy Huỳnh Bá Dũng đã có nhiều cống hiến, đóng góp thiết thực cho đồng bào vùng cao.


Hỏi chuyện, Dũng mới biết, Mu bị tai nạn lao động, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không đi chữa trị. Thương cảm trước tình cảnh của Mu, thượng úy Dũng liền điện thoại xin phép cấp trên, rồi hối thúc người nhà đưa Mu lên Trung tâm Y tế huyện chữa trị...

Chúng tôi gặp thượng úy Dũng khi anh và đồng đội từ xã Sơn Bua trở về sau buổi sáng nấu cháo dinh dưỡng cho học sinh. Triển khai từ tháng 5.2015, nồi cháo dinh dưỡng của Chi đoàn Quân sự huyện Sơn Tây thực sự là món quà ý nghĩa, thiết thực của người lính dành tặng cho trẻ em nơi đây. Tranh thủ buổi trưa, chúng tôi cùng thượng úy Dũng đến thăm Mu. Vừa đến phòng bệnh, nhiều bệnh nhân đã nhận ra thượng úy Dũng và cho biết: “Hôm nay Mu khỏe, vừa đi dạo rồi!”. Còn y sĩ Đinh Thị Tiếp cho hay, nhờ có anh Dũng đưa đến bệnh viện kịp thời, nên đôi chân bị hoại tử phần mềm của Mu đã được cứu chữa.

“Trăn trở, sáng tạo, đa dạng hóa”

Đó chính là những điều mà thượng úy Dũng luôn nỗ lực vì công tác Đoàn ở vùng sâu, vùng xa này. Năm 2001, khi đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Tây, anh Dũng làm đơn xin lên khu vực Tây Nguyên. Lúc ấy, tình hình Tây Nguyên đang phức tạp, nhiều thanh niên giữ khoảng cách, không tiếp xúc với cán bộ. Điểm đầu tiên khi anh Dũng chuyển đến là đơn vị 366, Quân khu 5 đứng chân tại xã Dur Kmal, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Bài toán khó đặt ra là làm thế nào để thu hút thanh niên vào các phong trào tập thể, ổn định đời sống, tập trung làm ăn.

Với vai trò là Bí thư Đoàn đơn vị, anh Dũng tìm hiểu, nắm bắt tâm lý của thanh niên Tây Nguyên là thích ca hát, nhảy múa. Vì thế, anh đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, phù hợp với tập quán đồng bào, vừa bổ sung những nét mới thú vị đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Với phương châm tuyên truyền miệng "mưa dầm thấm lâu", tập hợp từ ít đến nhiều, lan tỏa từ thôn này đến thôn khác, sau khi đã thu hút thanh niên địa phương, anh Dũng khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thanh niên chấp hành, thực hiện.

Sau 7 năm công tác tại Tây Nguyên, dù có điều kiện chuyển về làm việc tại quê nhà Mộ Đức, nhưng anh Dũng xin về Sơn Tây bởi một điều đơn giản “đôi chân đã quen với vùng cao”. Đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn, anh Dũng tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy lồng ghép trong các đợt huấn luyện, tổ chức đa dạng các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ kết hợp tuyên truyền giữa lực lượng vũ trang với thanh niên địa phương xây dựng tình quân dân đoàn kết, vững chắc. Anh còn tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, sửa chữa nhà cửa cho các gia đình khó khăn, làm đường cho dân... Anh gắn bó với vùng cao quen thuộc đến nỗi chỉ cần hôm nào vắng mặt, người dân đã vội hỏi thăm: “Cán bộ Dũng hôm nay đâu rồi?”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.