Đẹp sao một chuyện tình

02:08, 10/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chàng trai ôm đàn mandolin gõ nhịp, cô gái kết hai bím tóc thề say sưa hát bài ca người lính Cụ Hồ. Tình yêu giữa họ suốt mấy mươi năm từ trong kháng chiến cho đến ngày hòa bình vẫn luôn hòa quyện trong tình yêu đất nước, tình đồng chí, đồng đội.

Lần theo cuốn sổ tay đề dòng chữ “Giải phóng quân” và một cuốn nhật ký viết cho người mình yêu từ năm 1974 của một nữ chiến sĩ quân y được cất giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, tôi đã tìm gặp chính chủ nhân của hai cuốn nhật ký ấy. Đó là ông Đinh Tấn Nhân (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng Phấn (65 tuổi), hiện sống ở 124 Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi. Lắng nghe câu chuyện tình yêu giữa họ, từ trong kháng chiến cho đến giờ đây khi mái tóc đã pha sương, tình vẫn nồng thắm như thuở nào.

Cuốn sổ tay “Giải phóng quân” viết về những tên thuốc, phương pháp phẫu thuật vết thương, tình cảm giữa đồng chí, đồng đội với nhau… là của ông Nhân. Còn những bức thư tình trong cuốn nhật ký bà Phấn viết cho ông Nhân mãi đến mới đây, sau hơn 40 năm ông mới được đọc. “Sắp đến ngày hòa bình, tôi được đưa đi điều trị bệnh, xa cách nên viết cho đỡ nhớ. Sau này cứ thấy thẹn thùng nên không cho ổng biết”, bà Phấn tâm sự. Nghe thế, ông Nhân bảo: “Đọc những lời trong nhật ký, tui càng thêm quý trọng tình cảm của bà”. Trong nhật ký có đoạn: “Ngày em xa nhà. Chiều nay vui quá chừng có người ở quê lên thăm, nghe anh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, em mừng và thương nhớ nhiều lắm… Bao giờ em cũng nghĩ về anh, ở đâu và lúc nào em cũng thấy anh truyền cho em biết bao nhiêu tình thương…”.

 

Vợ chồng ông Nhân cất giữ bộ quần áo bộ đội đã mặc cách đây hơn 40 năm như gìn giữ kỷ niệm đẹp của cuộc đời.
Vợ chồng ông Nhân cất giữ bộ quần áo bộ đội đã mặc cách đây hơn 40 năm như gìn giữ kỷ niệm đẹp của cuộc đời.


Họ đã kể cho tôi nghe về câu chuyện cuộc tình. Ông Nhân quên, bà Phấn lại nhắc, cả hai như sống lại những ngày còn xanh. Ngày ấy, ông Nhân là Đội trưởng Đội phẫu thuật A100, Tiểu đoàn 48. Năm 1971, trong một lần đi công tác ở vùng núi Minh Long, ông Nhân đã chép được bài thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu. Ông vui sướng vô cùng, bài thơ thay lời  của hàng triệu trái tim người Việt Nam, nhất là những chiến sĩ giải phóng quân về nỗi nhớ Bác Hồ khi Người đã đi xa. Tại xưởng dược X12, bà Phấn tình cờ bắt gặp cuốn sổ tay của ông Nhân và đọc được bài thơ ông vừa chép. “Em cũng mơ ước có được bài thơ này. Anh cho em mượn chép lại được không”, nữ chiến sĩ Hồng Phấn nói. “Em tên gì, ở đơn vị nào?”-ông Nhân hỏi. “Em tên Phấn, chiến sĩ quân giới phòng hậu cần của Tỉnh đội”, Phấn trả lời. Sau cuộc trò chuyện, biết được cô gái trẻ này chính là tác giả một bài thơ cực hay trong cuộc thi báo tường, ông Nhân chỉ tay lên trán bảo: “Anh đã ghi nhớ bài thơ ở đây rồi, cuốn sổ tặng em”.

Duyên tình như hẹn trước, nữ chiến sĩ Hồng Phấn sau đó được điều động về đơn vị A100. Thế là họ đã cùng nhau thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc qua công việc cứu chữa cho bộ đội. Ông Nhân trực tiếp mổ, bà Phấn ở bên cạnh phục vụ băng, gạc… “Ngày nào cũng nhìn thấy máu chảy, cũng gặp nhau trên bàn mổ. Củ lang, củ mì người dân đem đến cho, cứu thương đói quá, bốc ăn vội…”, ông Nhân kể.  

Dưới làn bom đạn, họ đã cùng anh em trong đơn vị chia ngọt sẻ bùi, thậm chí là giành nguy hiểm về phần mình. Bà Phấn bùi ngùi: “Chiến tranh ác liệt, còn sống đấy nhưng chốc lát lại hy sinh… Mất mát nhiều, nhưng quý là tình đồng chí keo sơn”. Tình yêu giữa họ đẹp như chính những vần thơ của người lính. “Ánh mắt thay lời cả nụ hôn/Sống chết một lòng theo kháng chiến” (trích bài thơ “Ngày ấy” ông Nhân viết tặng bà Phấn). Họ đã yêu nhau tự thuở nào nhưng giữ kín trong tim và đặt lên trên hết tình yêu Tổ quốc. Bà Phấn nhớ lại: “Hồi đó, ban đêm lúc rảnh, ông ấy chơi đàn mandolin, ổng chơi đàn hay lắm. Còn tui thì hát, giọng hát cũng ngọt ngào lắm. Mến thương nhau nhưng nào dám cầm tay, âu yếm nhau…”.

Có lần, ở chiến trường ông Nhân bị sốt rét. Tấm chăn không đủ ấm. Bà Phấn đã vội khâu chăn thành chiếc bao để ông Nhân trùm cho đỡ rét. Bà đã nhét vội vào tấm chăn những câu thơ rồi lánh mặt. “Mũi chỉ cong queo nét vụng về/Mà sao cảm thấy ấm tình quê… Ngày về muốn dỗ dành ai đó/Gói gọn cho lòng những ước mơ”.

Tiếng gọi của non sông đã thôi thúc bước chân của những người lính trẻ. Họ đã đi, đã chiến đấu quên mình vì một ngày mai hòa bình, và thề hẹn khi non sông liền một dải sẽ “đều tay xây đẹp tổ chim uyên”. Ngày non sông ca khúc khải hoàn cũng chính là ngày mà người cán bộ quân y Đinh Tấn Nhân và nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Phấn kết duyên vợ chồng. “Ngày tổ chức lễ cưới, đơn vị cho một con heo nặng 60kg. Đồng chí trợ lý tổ chức Tiểu đoàn 48 đứng ra làm công tác tổ chức lễ cưới, lo khâu hậu cần là đồng chí Hoạt ở ban quân giới, đơn vị A100 hỗ trợ vật chất… Lễ cưới tổ chức giản dị nhưng vui, thấm đượm tình đồng chí”, ông Nhân nhớ lại.

“Mới đó mà đã 40 năm rồi bà. Bà yên tâm, tui lúc nào cũng ở bên cạnh để chăm sóc cho bà”, ông Nhân quay sang nói với vợ. Bà Phấn cười hiền, hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt. Có một thời gian bà Phấn công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó bị bệnh do di chứng của chiến tranh nên xin nghỉ việc. Ông Nhân là Bệnh xá trưởng B21, ông cũng nghỉ hưu sớm để ở nhà chăm sóc vợ bị bệnh.

Họ có hai người con, người con trai đầu bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ bố mẹ, giờ không thể tự phục vụ cho bản thân. Cả hai ông bà đều là thương binh 3/4. Cuộc sống tuy gánh chịu đau thương, vất vả bởi hậu quả của chiến tranh, nhưng tình đồng chí, đồng đội, tình nghĩa vợ chồng đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, cùng động viên nhau để tiếp tục những bước đi trong cuộc đời.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.