Chỉ yêu thương thôi chưa đủ

02:06, 21/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người thành công trong con đường kinh doanh, sự nghiệp, đời sống kinh tế gia đình khá giả nhưng lại thất bại trong giáo dục con cái. Đó là một thực tế khiến các bậc cha mẹ phải xem xét lại chính mình.  

“Bố mẹ ơi, con sợ!”    


Mỗi lần nghĩ đến đứa con gái lớn, chị K. (quê ở huyện Mộ Đức) lại rưng rưng nước mắt. Giờ thì chị K. chỉ mong con bé được khỏe mạnh, không phải ngồi thừ ra trước cửa nhà rồi nói cười một mình. Ngẫm lại thì tiền bạc nhà chị K. đâu có thiếu, chỉ có điều thiếu sự quan tâm đối với con trẻ. Hằng ngày vợ chồng chị vùi đầu vào công việc kinh doanh, đơn đặt hàng trong Nam ngoài Bắc khiến cả hai có rất ít thời gian dành cho con. Con gái lớn ở tuổi dậy thì, thay đổi nhiều về tâm sinh lý nhưng chị hầu như “giao khoán” cho người giúp việc.

Trẻ em cần lắm sự yêu thương, giáo dục đúng cách của người lớn (ảnh minh họa).
Trẻ em cần lắm sự yêu thương, giáo dục đúng cách của người lớn (ảnh minh họa).


Hằng ngày vẫn thấy con cắp sách đến trường, đi về chào hỏi, nhưng sau đó con bé lại đóng kín cửa phòng, chúi đầu vào máy tính. Cứ tưởng nó chăm học nhưng có ngờ đâu là “nghiện” Internet. Dần dà, con bé trở nên ít nói cười, lắm lúc rơi vào tâm trạng sợ hãi. Đến khi vợ chồng chị K. nhận ra thì cháu bé đã bị bệnh nặng.  Chị K. đưa con đi chữa trị, bác sĩ bảo: “Cháu bị sốc tâm lý quá nặng. Bệnh này rất khó trị, đòi hỏi phải có thời gian và kiên trì, phải quan tâm đến cháu nhiều hơn, tạo sự thân tình, thoải mái để giúp cháu thoát khỏi khủng hoảng”.

 Từ ngày con gái trở bệnh, chị K. dành nhiều thời gian hơn cho con. Mẹ con thủ thỉ mới biết rằng có rất nhiều việc xảy ra đối với con của mình. Con bé thường xuyên lên Facebook, bị bạn bè đặt điều là đi chơi với trai rồi mang bầu. Không thể minh oan, cũng không gần gũi, chia sẻ với người thân, cháu bé lo lắng, sợ hãi. Sự dối trá, xúc phạm với những lời lẽ thô tục của các thành viên trên mạng xã hội khiến con bé bị sốc. Rồi chuyện con bé bị người ta vu khống là lấy cắp, nó cũng không thể minh oan cho mình… Nhiều lúc nó muốn thốt lên “Bố mẹ ơi, con sợ!” nhưng lại thôi, vì thấy bố mẹ bận rộn, với lại lâu nay bố mẹ hiếm khi nghe con nói chuyện. Từ bài học của chính mình, chị K. thường khuyên mọi người, dù trăm công nghìn việc cũng phải dành thời gian cho con, lắng nghe điều con muốn nói.
 

Vẫn còn nhiều trẻ em bị bạo hành  

Ông Bùi Đức Thọ-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh bị bạo hành về thể xác và tinh thần, nhiều em bị bạo hành trong chính gia đình của mình. Có không ít bậc cha mẹ ép con theo ý mình dẫn đến bạo hành. Vấn đề lắng nghe trẻ em nói vẫn chưa thật sự được quan tâm. Cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các bậc cha mẹ về việc lắng nghe trẻ em nói, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện.

Muôn kiểu dạy con

 Mỗi một gia đình, mỗi một ông bố, bà mẹ đều yêu thương con và có cách thể hiện riêng. Có người yêu thương con hết mực nhưng cố tình che giấu, thay vào đó là sự nghiêm khắc. Người thì dùng roi vọt để giáo dục con, người lại chọn cách nuông chiều. Cũng có những ông bố, bà mẹ tìm cách làm bạn với con, uốn nắn con trẻ qua những lời ăn, tiếng nói và từng hành vi, cử chỉ. Âu cũng là muốn con cái nên người. Có điều nếu giáo dục con không đúng cách, thiếu sự quan tâm, lắng nghe, tôn trọng con trẻ thì nhiều khi tác dụng ngược lại.

Chị D. (ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) tỏ ra lo lắng: “Khó chứ không phải đơn giản. Nếu giáo dục không đúng cách, con hư, mình lại ân hận cả đời”. Chị D. kể, mới đây chị phát hiện cậu con trai học lớp 7 tự mình cạo nhẵn lông chân. Chị hỏi chuyện, cậu bé mới cho hay, đến lớp bị bạn trêu chọc nên đã trốn trong nhà vệ sinh, dùng lưỡi lam tự cạo lông chân của mình. Chị D. đã ân cần nói với con: “Đó là biểu hiện bình thường khi cơ thể phát triển, người ta còn gọi đây là giai đoạn tuổi dậy thì. Ai cũng phải trải qua nên con không phải lo lắng về điều này”. Sự giúp đỡ kịp thời của chị D. đã giúp con trai hiểu biết hơn và cảm thấy yên tâm.

Theo chị Ngô Thị Kim Ngọc-Giảng viên Khoa Sư phạm xã hội, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng giúp các bậc cha mẹ làm tốt vai trò. Nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi cho mình cái quyền áp đặt đối với con trẻ. Đòn roi cũng có hai mặt, nếu hợp lý sẽ tăng giá trị trách phạt, nhưng nếu không khéo sẽ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần rất lớn, quen với đòn roi và học cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực. “Cách yêu thương con trẻ tốt nhất là biết quan tâm, lắng nghe con trẻ. Có vậy mới biết được những vướng mắc mà trẻ đang gặp phải để giúp con tháo gỡ. Có những ông bố bà mẹ mang con mình ra so sánh với con người ta mà không biết con mình nghĩ gì, hơn con người ta ở điểm gì. Điều này khiến trẻ không phục, nó cố tạo ra vỏ bọc để bố mẹ hài lòng, đây là điều không nên trong giáo dục con trẻ”, giảng viên Ngô Thị Kim Ngọc chia sẻ.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ




 


.