Người thợ có số phận đặc biệt

06:08, 17/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là nạn nhân chất độc da cam, mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng ý chí và nghị lực sống của anh khiến ai cũng cảm phục. Đó là anh Phạm Văn Lâm, 29 tuổi, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức.

Cách nói chuyện dễ thương và chân thành của anh Phạm Văn Lâm làm chúng tôi quên đi cái ấn tượng ban đầu về một người ốm yếu, thân hình gầy nhom. Anh là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cả ông nội và ông ngoại đều là liệt sĩ. Ba anh tham gia kháng chiến ở chiến trường Campuchia, bị sốt rét nên mất sớm. Còn mẹ là y tá, tham gia kháng chiến từ năm 1965 ở đơn vị 48.

 

Anh Lâm đang tỷ mẩn sửa chữa đồ điện.
Anh Lâm đang tỷ mẩn sửa chữa đồ điện.


Rời khỏi chiến trường, mẹ anh mang trong mình thương tật 47%, là thương binh hạng 3  và bị nhiễm chất độc hóa học. Chẳng may, anh lại bị ảnh hưởng, nhiễm chất độc da cam. Mẹ anh xót xa: Hồi mới sinh, nó bị suy dinh dưỡng nặng lắm. Rồi bác sĩ khám, kết luận là bị nhiễm chất độc da cam, chẩn đoán là bị bệnh thần kinh ngoại biên bán cấp tính. Thế nên, tinh thần không được ổn định. Chân thì bị teo, đau cơ nên đi lại khó khăn, còn mắt thì yếu chỉ nhìn thấy mờ mờ.  

Dù vậy nhưng anh vẫn luôn lạc quan và vượt lên những nỗi đau thể xác. Nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến, mẹ anh chia sẻ: Nó là đứa chăm chỉ và rất cẩn thận. Lúc nhỏ, nó yếu lắm! Tự đi học không được, tôi phải chở nó đến trường. Vì bị bệnh nên nó học quên trước, quên sau thế mà vẫn cứ thích học, kiên trì đến cùng. Cứ 2 năm một lớp, nó học cho đến lớp 9 thì nghỉ. Năm 2010, anh Lâm được Nhà nước cho đi học nghề sửa chữa đồ điện. Người ta học một khóa là ra hành nghề, còn anh vì trí nhớ không được tốt nên phải đến 2 khóa. Anh vui vẻ “biện hộ” với chúng tôi: “Tại mình muốn học kỹ để có tay nghề cao thì mới được khách hàng tín nhiệm”.

Đến nay, anh đã làm nghề gần được 3 năm, có thể sửa chữa tất cả các đồ điện gia dụng từ nồi cơm điện, máy quạt, bàn ủi, bếp điện… Anh hồ hởi nói: “Bình thường như cháy mô tơ hoặc hư hỏng đơn giản, 30 phút là mình sửa xong ngay. Còn đồ gì phức tạp quá, chưa sửa bao giờ thì mình cố gắng kiên trì, mò hoài cũng ra. Nhiều khi mất cả tuần nhưng bà con cũng thông cảm lắm, không có phàn nàn gì”.

Những ngày đầu mới mở tiệm, chỉ có vài khách hàng đến sửa, chủ yếu là bà con hàng xóm. Nhưng với sự tỉ mẩn, tinh thần trách nhiệm và ham học hỏi, tay nghề anh ngày càng khá hơn, mang lại sự tin tưởng cho mọi người. Tiếng lành đồn xa, khách hàng của anh ngày càng đông và đến từ nhiều thôn khác nhau. Cụ Trịnh Văn Xuân (80 tuổi), ở thôn Đôn Lương, xã Đức Thạnh, là khách hàng quen thuộc từ những ngày đầu anh Lâm mới mở tiệm, chia sẻ: “Thằng nhỏ tốt bụng lắm! Ngày trước, tôi còn khỏe mạnh đem đồ lên tận nhà cho nó sửa. Giờ già yếu, không đi xa được, nhưng chỉ cần gọi điện là nó xuống tận nhà sửa. Đồ nào phức tạp thì nó mang về, sửa xong rồi lại mang đến nhà tôi. Nhà nó thì nghèo, lại bị bệnh thế mà nhiều khi sửa xong, nó không chịu lấy tiền, bảo tôi già không làm ra tiền nên nó sửa giúp thôi”.  

Đau ốm, đi lại không nhanh nhẹn như người bình thường nhưng bù lại anh rất thật thà, biết chiều lòng khách hàng và lấy giá phải chăng. Nếu khách bận việc không thể mang đồ xuống nhà anh, thì chỉ cần một cú điện thoại, anh sẽ lập tức có mặt. Chiếc xe đạp cũ kỹ cùng thùng đồ nghề nhỏ nhắn bằng hộp bánh quy của anh đã trở nên thân quen với bà con lối xóm. Thế nên, dù có nhiều tiệm sửa đồ điện mở ra nhưng với mọi người, anh mãi là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu được mọi người tìm đến.

Với sự cần cù và chăm chỉ lao động, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 500 nghìn đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa, bởi đó là những đồng tiền chân chính bằng mồ hôi, công sức của anh. Và phần nào giúp anh lo những chi phí sinh hoạt cho bản thân, bớt gánh nặng cho mẹ. Ông Trần Minh Trâm - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đức Thạnh cho biết: Phạm Văn Lâm không may mắn khi sinh ra đã bị nhiễm chất độc da cam, nhưng Lâm luôn cố gắng nỗ lực để sống có ích.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.