Chàng kỹ sư cơ khí làm giàu từ cây nấm

06:08, 15/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơ duyên của chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Duy Hưng ở thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) với cây nấm đến từ một chương trình truyền hình. Không chỉ làm giàu từ cây nấm, Hưng còn ấp ủ dự định nghiên cứu và phát triển các loại nấm quý hiếm để phục vụ chữa bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Tốt nghiệp ngành cơ khí, chàng trai sinh năm 1988 Nguyễn Duy Hưng vào TP.HCM tìm việc  làm. Cuộc sống xa quê, thu nhập thấp nên Hưng quyết định về lại quê nhà. Làm thuê ở một công ty cơ khí tại địa phương, nhưng trong Hưng vẫn thôi thúc ý định tự mình gầy dựng cơ ngơi để phát triển kinh tế. Hưng bảo, cây nấm đến với Hưng như là “duyên số” vậy. Tình cờ xem chương trình truyền hình nói về việc trồng nấm, thấy mô hình này có thể thực hiện tại địa phương nên Hưng quyết định làm nông dân trồng nấm.

 

Anh Nguyễn Duy Hưng đang chăm sóc nấm linh chi.
Anh Nguyễn Duy Hưng đang chăm sóc nấm linh chi.


Năm 2013, Hưng ra Hà Nội tìm đến tận nhà PGS-TS Nguyễn Thị Chính (nhà khoa học đầu tiên ở Việt Nam mang các chủng nấm ở Châu Âu về trồng ở Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học thuộc Công ty TNHH Nấm Linh chi, để xin học kiến thức trồng nấm. Trong tất cả các học trò của PGS-TS Nguyễn Thị Chính, Hưng là người xuất sắc nhất. Chỉ trong vòng một tuần, Hưng đã tiếp thu và thành thạo cách làm giống, tạo độ ẩm, cấy giống, nuôi trồng, chăm sóc…

“Tốt nghiệp” về quê, Hưng bắt tay ngay vào công việc trồng nấm. Hưng bắt đầu công việc trồng nấm của mình với 500 bịch nấm linh chi, loại nấm khó trồng nhất, chi phí bỏ ra rất cao. “Cô Chính bảo không nên kỳ vọng nhiều vào đợt trồng nấm linh chi đầu tiên vì hầu hết ai cũng thất bại, nhưng mình may mắn vì trồng đạt kết quả tốt”, Hưng cho biết. Đến nay Hưng tự nhân giống và hình thành một trang trại trồng nấm gần 200m2, với 20.000 bịch nấm linh chi cùng một số loại nấm khác như nấm bào ngư, nấm rơm, mộc nhĩ đen. Với số lượng giống này, cứ sau 3 đến 4 tháng, Hưng có thu nhập từ việc bán trái và bào tử nấm linh chi hơn 100 triệu đồng. Với ý chí của mình, Hưng đã vừa học tập vừa gầy dựng cơ nghiệp chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.

Hưng thổ lộ, trồng các loại nấm phổ biến như nấm rơm, nấm bào ngư… chỉ là để “lấy ngắn nuôi dài”. Kế hoạch dài hơi của Hưng là trồng các loại nấm để làm dược liệu quý hiếm như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo... Để thực hiện kế hoạch của mình, Hưng cho biết trước mắt cần ổn định cơ sở sản xuất tại gia đình để có được nguồn thu ổn định, sau đó sẽ nghiên cứu và xây dựng quy trình trồng nấm quý một cách bài bản. Hiện nay, Hưng vừa làm nấm ở gia đình, vừa dạy kỹ thuật trồng nấm cho người dân ở các địa phương.

Để tạo điều kiện cho các gia đình phát triển nghề trồng nấm, không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, Hưng còn bán nợ phôi giống. Chị Phạm Thị Kiều Hoanh, người được Hưng truyền dạy nghề trồng nấm, phấn khởi nói: “Hưng đã hướng dẫn kỹ thuật, bán nợ phôi giống cho vợ chồng mình làm. Giờ đang thu hoạch vụ nấm linh chi đầu tiên. Làm nấm khó nhưng đạt kết quả thế này là nhờ sự giúp đỡ của Hưng”.

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

 


.