“Vàng”... trên núi Đá Bạc

08:09, 17/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 10 năm “bám” ngọn núi Đá Bạc, đến nay chàng trai trẻ Trần Anh Tuấn (SN 1985, quê xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) sở hữu gần 30 ha keo trị giá tiền tỷ. Trần Anh Tuấn là tấm gương thanh niên tiêu biểu vừa được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của.

“Ăn rừng ngủ núi”

Chỉ tay về phía rừng keo xanh tốt đang chuẩn bị thu hoạch, chàng trai trẻ Trần Anh Tuấn cho biết, đó là khu vực đầu tiên anh “đến với rừng”. Tuấn bảo, ngày đó quê mình nghèo lắm. Học đến lớp 9, thấy bạn bè trong xóm bỏ học vào Sài Gòn kiếm việc làm, Tuấn cũng đi theo. Vào làm công nhân ở một công ty giày da, rồi chuyển qua may mặc, cực khổ mà lương chỉ  ba cọc ba đồng. Chịu không thấu nên Tuấn lại trở về quê…

 

Trần Anh Tuấn bám rừng để làm giàu.
Trần Anh Tuấn bám rừng để làm giàu.


Một hôm, khi đất trời chìm trong sương sớm, nhìn về phía ngọn núi Đá Bạc, Tuấn chợt nghĩ đến chuyện cậu thanh niên người H’Mông ở Tây Bắc làm giàu từ trồng rừng mà anh tình cờ đọc được trên một tờ báo. Ý định lập nghiệp trên mảnh đất quê hương của Tuấn cũng từ đó mà nảy sinh. Tuấn mua sách hướng dẫn phát triển kinh tế rừng, cách ươm giống keo lai về đọc và bắt tay vào khoanh vùng, phát rẫy…

Sáng nào chàng trai trẻ Trần Anh Tuấn cũng vác trên vai cái rựa cùng can nước thẳng tiến về phía ngọn núi Đá Bạc. Có người ngợi khen Tuấn có chí, giỏi giang, nhưng cũng có người tặc lưỡi bảo thiếu gì việc làm, có khùng mới phát rẫy trồng cây. “Quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương nên mình bỏ ngoài tai lời dị nghị, chỉ chú tâm phát rẫy, ươm cây giống…”, Tuấn chia sẻ.

Bà Trương Thị Tuyết, mẹ Tuấn cho biết, để đạt được thành quả như hôm nay, Tuấn đã tốn không biết bao mồ hôi, công sức. “Nhiều hôm tôi mang cơm lên cho con, gọi mãi chẳng nghe nó trả lời, lo sợ có chuyện chẳng lành nên vội đi tìm. Hóa ra nó làm mệt quá, nằm nghỉ rồi ngủ thiếp đi”, bà Tuyết kể. Từ một thanh niên chỉ có hai bàn tay trắng, sau nhiều năm “ăn rừng ngủ núi”, Tuấn đã biến rừng cây cỏ tạp thành rừng keo lai bạt ngàn, tươi tốt.

Hái quả ngọt

Nhiều người thoạt đầu trêu Tuấn là “người rừng”, dần dà thì khâm phục và xem Tuấn là tấm gương sáng về nghị lực làm giàu. Thành công từ những hécta keo ban đầu, Tuấn tiếp tục vay vốn từ các chương trình của Đoàn thanh niên để đầu tư mở rộng diện tích. Sau hơn 10 năm trồng rừng, đến nay Tuấn sở hữu gần 30ha keo, trong đó rất nhiều diện tích keo đang trong giai đoạn thu hoạch. Nhìn thành quả đạt được sau hơn 10 năm “bám rừng”, Tuấn cười hiền bảo: Sự hỗ trợ đắc lực đối với anh trong hành trình lập nghiệp chính là lời động viên của gia đình và sự tiếp sức của cán bộ Đoàn ở địa phương.
    
Để đảm bảo có nguồn vốn xoay vòng, mỗi năm Tuấn bán từ 3-5ha keo. Riêng năm 2013, Tuấn bán hơn 5ha keo, thu về gần 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Không dừng lại ở việc trồng rừng, Tuấn dự định sẽ phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi.  “Thời gian tới mình sẽ phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Mình đã đi tham quan, học hỏi mô hình ở tỉnh bạn. Hy vọng sẽ thành công”, Tuấn bộc bạch.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.