Những đóa hoa giữa đại ngàn

09:09, 11/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận công tác về các huyện miền núi của Quảng Ngãi, 19 nữ phó chủ tịch xã của “dự án 600”- “chân yếu tay mềm” đã vượt qua trở ngại ban đầu, nhanh chóng hòa nhập và hăng hái, xông pha vào môi trường mới, góp sức giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo…

TIN LIÊN QUAN

Tình nguyện chọn nhọc nhằn

Kể về sự lựa chọn của mình, chị Đỗ Thị Lành-Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nham (Tây Trà) trải lòng: “Lúc mới ra trường, cũng như bao sinh viên mới tốt nghiệp khác, tôi nộp đơn xin việc đến rất nhiều nơi với hy vọng tìm được chỗ làm. Trùng hợp thay, ngày nhận được giấy triệu tập tham gia “dự án 600” cũng là lúc giấy báo trúng tuyển vào Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được gửi đến nhà”.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nham Đỗ Thị Lành đến tận nhà bà con để tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nham Đỗ Thị Lành đến tận nhà bà con để tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.


Nhận được hai tin vui cùng lúc, nhưng điều kiện làm việc lại quá khác nhau, một nơi thì được làm việc ở trung tâm thành phố, còn công việc kia lại phải dấn thân đến vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nhưng khi nhớ về kỳ thực tập môn dân tộc học ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng) lúc còn học đại học, những kỷ niệm khi được sống chung với bà con người dân tộc thiểu số suốt 2 tuần liền… đã khiến Lành lựa chọn tham gia khóa tập huấn dành cho các phó chủ tịch xã “dự án 600”. Nỗi khó nhọc của người dân miền núi cùng nụ cười chân chất của họ…cứ mãi thôi thúc chị phải đi lên vùng cao để góp sức, để cống hiến.

Cùng chung suy nghĩ với chị Lành là nữ Phó Chủ tịch UBND xã Ba Bích - Lê Thị Trâm. Tốt nghiệp đại học Bách Khoa - một trong những trường ĐH thuộc loại “danh tiếng” của cả nước, nhưng Trâm lại quyết định từ bỏ công việc vốn đang rất thuận lợi ở Bình Dương để trở về quê hương tham gia “dự án 600”. Mái tóc cắt ngắn như con trai, chân lúc nào cũng mang giày bệt,  bóng dáng của nữ phó chủ tịch xã của vùng cao Ba Bích in khắp trên các nẻo đường gập ghềnh để vào đến từng ngôi nhà tìm hiểu đời sống của bà con.

Tâm huyết với công việc

Đoạn đường gần 10 km từ Tỉnh lộ 622 đến trung tâm xã Trà Nham (Tây Trà) trở nên nhão nhoẹt và trơn trượt sau cơn mưa chiều ngày hôm trước. Lớp đá giữ cho mặt đường bớt lầy lội vô tình lại khiến cho đoạn đường này trở nên gập ghềnh hơn. Chật vật giúp chúng tôi lôi xe ra khỏi đoạn bùn sình, chị Đỗ Thị Lành - Phó Chủ tịch xã Trà Nham phân trần: “Đoạn đường thế này là tương đối dễ đi rồi đấy, chứ những đoạn đường vào sâu trong thôn xóm còn vất vả hơn nhiều”.

Ngày đầu tiên lên Trà Nham nhận công tác, Lành dở khóc dở cười khi phải đi qua “cung đường đau khổ”- tuyến đường độc đạo dẫn đến trụ sở ủy ban. Càng bỡ ngỡ hơn khi Trà Nham vẫn chưa có chợ. Dù trước đó đã tìm hiểu về đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhưng khi đi vào thực tế, chị mới bắt đầu học dần bài học “vỡ lòng”. Những lần chứng kiến từng tốp người đi bộ cả chục cây số mang chuối đi bán kiếm tiền đổi lấy mắm, hay bao phen chị đến tận thôn để họp dân rồi đi bộ về ủy ban lúc 11 giờ đêm… chẳng những không làm Lành nản lòng mà lại càng khiến cho cô gái trẻ thêm quyết tâm gắn bó với mảnh đất này. Bởi trước khi lựa chọn công việc này, Lành đã tự xác định phải dấn thân vào khó khăn.

Không riêng gì chị Lành mà hầu hết các chị em thuộc “dự án 600” khi đến nhận việc ở các xã miền núi đều tự thích nghi với điều kiện thiếu thốn ở vùng cao để gắn bó và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. “Làng Mâm chúng tôi ở cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Ba Bích Lê Thị Trâm vẫn thường xuyên vào thăm hỏi, chuyện trò cùng bà con khiến chúng tôi rất cảm động”, già làng Phạm Văn Mao bộc bạch.

Rời đồng bằng để lên non cao công tác, 19 nữ cán bộ trẻ của “dự án 600” vẫn luôn đong đầy nhiệt huyết dù phải đối mặt với không ít gian nan. Đối với các nữ thanh niên này, chông gai không phải là rào cản mà là chất xúc tác của lòng quyết tâm - quyết tâm góp sức để người dân vùng cao vơi đi bớt nỗi nhọc nhằn.


Bài, ảnh: Ý THU
 


.