Thanh… "gù"

04:09, 16/09/2012
.

(QNg)- Trở về sau 4 năm lam lũ ở xứ Hàn, chàng trai 32 tuổi Trần Thanh có được một ít vốn liếng. Không để số tiền mồ hôi, nước mắt kiếm được nơi xứ người vơi dần trong lãng phí, Thanh đã tìm đến nghề nuôi chim bồ câu với hy vọng thoát cảnh làm thuê. Để rồi, cái tên Thanh “gù” cũng ra đời từ đó.

Hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc vào đầu năm 2011, Trần Thanh ở KDC Bà Triệu, phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) không về nhà ngay mà đi một mạch đến huyện Củ Chi (TP HCM) để xem người ta nuôi chim bồ câu như thế nào mà tiếng tăm bay sang tận xứ Hàn. Sau lần đó, Thanh về quê mang theo ý định lập nghiệp từ loài chim này.

"Muốn làm chủ phải... liều"

Hình ảnh đàn chim bồ câu bay rầm rập, đụng đâu cắn đấy và rất dạn người chỉ đúng với những hộ nuôi nhỏ lẻ hay làm cảnh. Còn với trại bồ câu của Trần Thanh thì chẳng có con nào được bay lượn tự do vì mỗi cặp đều được bố trí tổ ấm riêng, trông rất gọn gàng và chuyên nghiệp. Chẳng thế mà dù đang chăm hơn 600 cặp bồ câu trong tuổi sinh sản mà trông Thanh vẫn thảnh thơi, nhàn hạ. "Mỗi ngày chỉ tốn chừng 30 phút để tiếp thức ăn, nước uống. Còn vệ sinh chuồng thì 2 tuần mới dọn một lần. Bảo sao không rảnh rỗi", Thanh "gù" cười hiền thú nhận.

Thanh
Thanh "gù" bên trại bồ câu ở KDC Bà Triệu, phường Lê Hồng Phong.


Vừa trò chuyện, Thanh "gù" vừa đưa tôi đi tham quan 2 cơ sở nuôi bồ câu (ở KDC Bà Triệu và phường Quảng Phú. Nhìn quy mô chuồng trại và cách nuôi chim của Thanh, tôi chợt nhớ câu nói của ông tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Lê Hồng Phong Nguyễn Tấn Thêu chẳng sai tý nào: "Giờ nó thành công thì mừng. Chứ lúc đầu thấy nó liều cũng lo". Không lo sao được khi mới chân ướt chân ráo làm quen với bồ câu, Thanh dám "rinh" từ Củ Chi về Quảng Ngãi cả trăm cặp chim giống để phòng hao hụt, vì mỗi lần đi là một lần tốn kém! Thời gian đầu, nghe đàn chim gù... gù... suốt ngày cũng vui tai, nhưng riết thì phát bực vì "gù hoài mà chẳng... đẻ".

Với lại, bầy chim ở tập thể nên chúng cắn nhau chí chóe, đập cánh kêu inh ỏi khiến cho hàng xóm phàn nàn. Vậy là Thanh lại mất ăn mất ngủ để tìm hiểu và nghiên cứu tập tính sinh học của bồ câu, lựa chọn và bố trí mỗi chuồng một cặp trống mái để giảm tính cạnh tranh loài. Giải quyết được tiếng ồn thì lại thêm cái chuyện chim đẻ trứng không chịu nở mà cứ... vỡ. Buồn nhưng không nản. Thanh lại khăn gói vào Củ Chi để "tầm sư" ở một số trang trại lớn nhằm học cách lựa chọn thức ăn, chăm sóc chim đẻ, nuôi dưỡng chim non và kỹ thuật nhân giống bồ câu.

Nhờ vậy mà chỉ sau một năm rưỡi vào nghề, Thanh "gù" đã gầy được đàn bồ câu lên đến 1.200 con, đàn chim bố mẹ cực "chuẩn" mỗi tháng cho ra đời trên dưới 400 cặp chim giống, mang về cho anh hơn chục triệu đồng (100.000 - 300.000 đồng/cặp).

Thanh "gù" tiết lộ rằng hiện nay, thị trường tiêu thụ bồ câu thịt (115.000 - 120.000 đồng/kg) rất dồi dào vì người tiêu dùng khoái các món ăn được chế biến từ loài chim này. Lý do là dù nuôi trong lồng, nhưng bồ câu vẫn không ghiền cám tổng hợp, mà chỉ thích ăn các loại ngũ cốc như: Gạo lức, bắp, đậu... nên thịt "sạch". Chẳng thế mà nhiều nhà hàng ở TP Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Định đặt cả nghìn con chim bồ câu thịt mỗi tháng nhưng vì kẹt cung ứng chim giống cho bạn hàng thân thiết, nên Thanh đành hẹn họ đến cuối năm nay.    

"Không muốn giàu một mình"

Tuy mới ra đời nhưng trại nuôi chim bồ câu của Trần Thanh đã được nhiều người biết đến vì sở thích kỳ quặc của ông chủ trẻ này là hay tặng quà cho anh em có gia cảnh nghèo khó. Món quà chỉ là vài chục cặp chim giống, ít cái lồng nuôi nhưng cũng đủ thắp lên hy vọng cho những thanh niên có ý chí thoát nghèo. "Không ở đâu bằng quê nhà. Bao nhiêu năm làm thuê trên đất người, mình đã nếm đủ gian khổ, cay đắng và tủi cực. Mình thực sự không muốn các bạn trẻ phải tha phương như thế", Thanh "gù" trầm ngâm lý giải cho cái sự hào phóng của mình.

Có lẽ vì vậy mà sau khi việc nuôi bồ câu dần đi vào guồng quay ổn định, Thanh lại đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất lồng, máng ăn các loại để cung cấp cho bạn hàng khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt là những người làm ở đây đều thuộc diện nghèo, khuyết tật nên khi được Thanh tạo việc, họ rất cảm kích. Đã thế, nếu ai lành nghề và muốn khởi nghiệp với bồ câu, Thanh "gù" liền tặng chim giống, lồng và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi.

Chẳng thế mà từ địa chỉ này, hàng trăm người đã bén duyên với loài chim vừa giúp họ cải thiện bữa ăn, vừa tăng thu nhập. "Mình cũng khó, may có Thanh ủng hộ 50 cặp chim giống, hướng dẫn cách nuôi nên chỉ sau nửa năm, đàn bồ câu đã tăng gấp đôi. Hiện đã cho thu lai rai rồi", anh Long Phi ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) khoe. Nghe thế, Thanh "gù" cười bẽn lẽn: "Lúc khó khăn giúp nhau mới quý. Với lại thấy bạn khổ mà mình ngơ, coi sao được. Nếu mai này bạn khá giả, mình cũng được nhờ". Thật đáng trân trọng cho cái suy nghĩ chân tình của chàng trai có thừa bản lĩnh và nghị lực ấy.             

           
Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.