Chuyện những người trẻ làm giàu

03:09, 26/09/2012
.

(QNg)- Với khát vọng vươn lên làm giàu, được sự quan tâm của các cấp bộ đoàn, nhiều đoàn viên thanh niên đã tìm cách lập thân, lập nghiệp, tỏ rõ bản lĩnh bằng sự năng động, sáng tạo của mình trong phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định.

TIN LIÊN QUAN


Giàu nhờ hoa lan

Thăm vườn lan Thanh Tùng trên đường Phạm Văn Đồng- TP Quảng Ngãi, ai cũng trầm trồ trước những loại hoa lan lung linh sắc màu. Chủ nhân của vườn hoa lan là Đỗ Thanh Tùng một thanh niên thế hệ 8X, ở phường Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi).

Tùng kể, với niềm đam mê trồng những chậu hoa lan để làm cảnh trong nhà, anh đã mạnh dạn tận dụng khu đất trống trong sân nhà để trồng hoa lan. Từ vài ba chục cây ban đầu rồi đến vài trăm cây. Ban đầu để tìm đầu ra cho cây lan, anh giới thiệu bán nhỏ lẻ cho đoàn viên, thanh niên trong phường và các hộ dân mua làm cảnh.

 

Nhờ trồng mía mà gia đình thanh niên Phạm Văn Thác có cuộc sống ổn định.
Nhờ trồng mía mà gia đình thanh niên Phạm Văn Thác có cuộc sống ổn định.

Sau vài năm trồng hoa lan thấy hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2008 từ số tiền tích góp được kết hợp với số vốn anh vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho thanh niên phát triển kinh tế, cùng với vốn kiến thức tìm tòi, học hỏi được anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây hoa phong lan với quy mô lớn hơn. Với diện tích ban đầu hơn 60m2 sân vườn, anh tận dụng thêm mặt bằng phía trước sân nhà khoảng 35m2  để trồng hơn 1.000 chậu hoa Lan. Ngay năm đầu tiên, anh đã thu lãi hàng chục triệu đồng. Từ số lãi thu được, Tùng tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô vườn và thuê mặt bằng để làm điểm giao dịch, mua bán. Bên cạnh đó, anh không ngừng học hỏi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tùng phấn khởi khoe, hiện tại vườn lan của anh có khoảng trên 4.000 chậu hoa lan các loại.

Tùng chia sẻ: Thị trường hoa lan hiện nay lúc nào cũng thiếu nên người trồng luôn được đảm bảo đầu ra, cái khó là người trồng lan phải học cách chăm sóc tỉ mỉ và nâng niu từng cành hoa, rễ cây, lá cây và phải chịu khó học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm…

Hoa lan đã đem lại cho gia đình anh cuộc sống ổn định với danh thu hằng năm gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng, số lao động thời vụ khoảng 8-10 người, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên.


Trao đổi về dự định tương lai, anh Tùng cho biết: Sắp tới anh sẽ tiếp tục học hỏi, sưu tầm nhiều loại hoa lan mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Thoát nghèo nhờ mía

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) bố mẹ mất sớm, chàng trai dân tộc Hrê - Phạm Văn Thác (1988) thấu hiểu được sự khó khăn và vất vả phải trải qua trong cuộc sống.

Kể về những ngày đầu lập nghiệp, Thác chia sẻ, lấy vợ từ năm 19 tuổi, lúc ấy, cả hai vợ chồng đều không có việc làm, không có nguồn thu nhập nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề.  Năm 2004, từ những đồng tiền tích cóp được, và số vốn vay từ Đoàn Thanh niên, vợ chồng anh tiến hành khai hoang hơn 2 ha đất lâm nghiệp do chính quyền địa phương cấp để trồng mía. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà máy Đường Phổ Phong trong việc cấp giống mía và hỗ trợ phân bón kết hợp với sức trẻ và bản tính cần cù, vợ chồng anh không quản ngại gian khổ, thay nhau túc trực ngoài đồng mía, khi thì bón phân, khi thì làm cỏ... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ngay niên vụ đầu tiên gia đình anh đã thu được kết quả khả quan, đem lại nguồn thu trên 30 triệu đồng.

Từ những kinh nghiệm bước đầu, anh tiếp tục đầu tư thêm kinh phí, mở rộng sản xuất.  Do chịu khó tìm tòi học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên diện tích mía của anh phát triển tốt, cho sản lượng ngày càng tăng. Hằng năm cho thu hoạch trên 70 tấn/vụ/năm. Hơn thế nữa, anh Thác còn thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài bằng cách mở rộng chăn nuôi heo, trâu, trồng lúa... đem lại tổng nguồn thu nhập hàng năm trên 70 triệu đồng.

Từ hai bàn tay trắng, đất đai, vốn liếng không có, giờ đây gia đình anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt có giá trị và trở thành tấm gương đảng viên, thanh niên tiêu biểu trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương.


Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.