Hội chứng đam mê thần tượng trong giới trẻ

02:08, 27/08/2012
.

(QNg)- Thần tượng được hiểu theo nghĩa dùng để ví những cái mà con người tôn thờ, chiêm ngưỡng. Trong đời sống xã hội đó là những tài năng nổi bật về một hay nhiều lĩnh vực nào đó được đông đảo người công nhận, mến mộ. Lứa tuổi thanh thiếu niên rất nhạy cảm với thần tượng, trở thành gương điển hình, ước mơ vươn tới.

Nếu xác định đúng đắn thần tượng thì cũng là cách để thanh thiếu niên tự hình thành cho mình nhân cách tốt như: Thần tượng anh hùng dân tộc, tài năng khoa học, tài năng nghệ thuật, gương vượt gian khó để thành công, gương làm giàu chân chính...

Trong xu thế hội nhập hiện nay, chuyện trong nước, chuyện năm châu bốn biển cập nhật thông tin đến mọi người  hàng ngày. Người xem dễ dàng tiếp nhận nét đa dạng của văn hóa Đông - Tây theo nhiều chiều cảm nhận khác nhau. Có lẽ thanh thiếu niên là giới tiếp nhận mạnh mẽ nét trẻ trung trong làn sóng ấy. Và như thế, nhiều thần tượng được hình thành trong số đông thanh thiếu niên khắp vùng miền, nhất là khu vực đô thị, nơi có mặt bằng dân trí cao, hệ thông tin điện tử phát triển.

Gần đây, trên mạng, trong nhiều trang xã hội xuất hiện lời phàn nàn đại loại như: "Ông bà là thứ gì mà cấm không cho tôi treo hình anh ấy, chị ấy trong nhà. Ông bà nên nhớ rằng phía ông bà chỉ có hai người còn phía tôi có nhiều người"… Thì ra đó là chuyện các cô cậu treo hình diễn viên Hàn Quốc đầy tường, nơi trang trọng bị cha mẹ không đồng ý phải gỡ xuống. Rồi chuyện một số bạn trẻ đã quỳ lạy, van xin, hôn vào ghế "sao Hàn" để biểu hiện tình cảm cuồng nhiệt với thần tượng của mình.

Lại có nhiều sinh viên vốn là học sinh phổ thông ngoan, thi đậu vào trường đại học có tên tuổi ở các thành phố lớn mà mê trò chơi điện tử. Dẫn đến nhiều em phải nợ môn, không hoàn thành chương trình học, trong lúc tên tuổi, chiều cao, cân nặng, quê quán, sở trường của nhiều cầu thủ bóng đá thế giới thuộc không sót một chi tiết… Tất cả những điều trên, phải chăng thuộc hội chứng mê thần tượng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Vấn đề đặt ra là cần tìm biện pháp ngăn ngừa hội chứng ấy. Đối với các nhà trường phổ thông, trong quá trình giáo dục nên giúp học sinh hiểu đúng về thần tượng. Gia đình cũng có vai trò chính trong giáo dục con em mình về thần tượng, lựa chọn thần tượng, thái độ ngưỡng mộ… Thần tượng nên hiểu theo nghĩa là gương để vươn tới, không nên có chuyện mê muội. Trong nhận thức thần tượng, nên phân loại tích cực như gương cao cả anh hùng dân tộc, thiên tài của nhân loại, gương hi sinh vì dân vì nước, gương hiếu nghĩa,… Còn diễn viên, tuyển thủ, cầu thủ, ca sĩ… là những tài nghệ được trân trọng, mến mộ. Họ có thể là thần tượng của một nhóm người nào đó, nhưng mê muội đến nỗi phải treo hình họ đầy nhà, hay hôn vào ghế chỗ họ ngồi, hoặc lơ là việc học trong khi tốn nhiều thời gian để hiểu về đời riêng của họ thì thật vô ích.


  Bùi Văn Tạo
 


.