Áo xanh nghĩa tình

08:04, 05/04/2012
.

(QNg)- Không khô khan, cứng nhắc như những con số hay công thức mà nhiều người vẫn nghĩ, tuổi trẻ ngành Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng rất riêng, rất phong cách của thanh niên ngành "công nghệ số"…  

TIN LIÊN QUAN


Trò chuyện cùng các cụ già, chơi trò ô quan với các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (TT), hay sơn mới những cánh cửa, lợp lại mái tôn bị dột giúp mẹ Việt Nam Anh hùng vào những "Ngày thứ bảy tình nguyện"…  các chiến sĩ áo xanh ngành BC-VT đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người ở những nơi mà họ đặt chân đến…

"Em cho tôi nhiều hơn thế"

Sáng thứ bảy nhưng Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh trông nhộn nhịp hơn mọi ngày. Dưới chân ghế đá trước sân, những nụ hoa khẽ đưa mình như tán dương câu chuyện của các cụ già đang hàn huyên. Tiếng cười rúc rích của các em với trò chơi dân gian, đã khiến cho không gian bên gốc phượng già thêm rộn ràng. Bắt gặp chúng tôi đang nhìn trộm, các em liền đáp lại bằng câu chào quen thuộc. "Úng on ào ô ú ạ", rồi tiếp tục chí chóe chơi trò buôn bán. Nhiều bạn ngạc nhiên, thoáng chút bối rối vì chưa hiểu các em nói gì. "Chúng con chào cô chú ạ!" - tôi khẽ nói. Bất chợt, một số bạn quay đi. Mắt đỏ hoe trong nắng sớm.

Các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chơi trò chơi ô ăn quan.
Các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chơi trò chơi ô ăn quan.


Sau một vài phút làm quen, cảm giác xa lạ của các em đã được anh chị áo xanh ở VNPT tỉnh nhanh chóng xóa tan, bằng những trò chơi dân gian nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn. Để rồi từ chỗ sợ sệt, thậm chí "trốn" chúng tôi, các em đã chủ động bắt chuyện và gợi ý các anh chị tổ chức thêm nhiều trò chơi mới. "Chúng ta chơi trò ô ăn quan nhé", câu nói của chị Thu Hà chưa kịp dứt thì đã bị tiếng vỗ tay tán thưởng của các em.

 

Trong khi đợi các anh chị chọn vị trí để kẻ bàn chơi, chia ô thì các em đã tự bắt cặp để phân thành 2 đội. Góc sân nhỏ bỗng nhộn nhịp hẳn bởi tiếng thì thầm bàn tán về cách di chuyển quân, tiếng vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả càng làm cho các em thêm hưng phấn. Nhìn đội mình có vẻ do dự trong việc di chuyển quân, bé Mỹ Lợi nóng ruột hét lớn: "inh, oa ái ăn ột oan" (Linh, qua trái ăn một quan - PV). Sau một phút nín thở chờ đợi đối phương dùng quân, bỗng Mỹ Lợi kéo tôi chạy quanh khắp sân và không quên nói to: "Ội on ắng ồi" (Đội con thắng rồi - PV).

Trò chơi kết thúc trong tiếng hò reo không-thành-câu của các bé. Và dù mặt đã đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại nhưng các em vẫn kéo chúng tôi ra sân dưới cái nắng trưa. Dỗ dành mãi cũng chẳng em nào chịu vào. Chỉ đến khi chúng tôi ngoéo tay hứa hôm sau sẽ đến chơi trò "bịt mắt bắt dê", các em mới đồng ý… cười và vui vẻ nhận quà. Nhìn các em cẩn thận mở gói quà, tay mân mê những cây bút, tập vở hay các mô hình trò chơi mà chúng tôi cũng vui lây. "Qủa là ngày thứ 7 ý nghĩa. Các em đã cho mình nhiều hơn những gì mình nghĩ. Cuộc sống là một vầng trăng khuyết. Và các em lại là những mảnh ghép giúp vầng trăng ấy tròn vành hơn nhờ nghị lực sống của mình" - chị Trịnh Thị Thu Hà - Bí thư Đoàn VNPT Quảng Ngãi bộc bạch.  

Bên mẹ, có chúng con

Nhìn căn nhà sạch sẽ, mái ngói cũ kỹ dột nát đã được thay bằng những tấm tôn sáng, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thành ở thôn Phước Hiệp, xã Đức Hòa (Mộ Đức) lại nhớ đến những đứa con áo xanh của mình. "Chúng nó đến, nhà mẹ vui như ngày hội. Chúng nó đi, mẹ nhớ lắm", mẹ Thành nói mà mắt nhìn xa xăm. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, mẹ đưa tôi đi thăm quanh nhà và chỉ những cánh cửa đều được sơn màu xanh nước biển. Nhấp ngụm trà nóng, mẹ Thành chậm rãi cho tôi biết bí mật của những cánh cửa màu xanh ấy: "Đó là quà của các con ở Bưu điện tỉnh tặng mẹ. Chúng nó bảo đó là màu của hy vọng. Và mỗi khi nhìn màu xanh ấy, mẹ cảm thấy chúng nó như đang ở bên mẹ vậy".

Dù đã trải qua 82 mùa xuân, nhưng chưa một lần mẹ Thành được tận hưởng không khi đầm ấm, đoàn tụ gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cả đời mẹ là chuỗi ngày khắc khoải, ngóng đợi tin con. Để rồi đến cuối đời, mẹ vẫn vò võ sớm hôm trong căn nhà tình nghĩa đầy ắp tình yêu thương của hàng xóm láng giềng. Mẹ bảo rằng nhiều lúc nghĩ về cuộc đời, mẹ cũng có chút tủi phận vì nỗi cô đơn lúc tuổi già xế bóng. Nhất là những lúc trái gió trở trời, bệnh già tái phát thì nỗi nhớ con lại cồn cào da diết hơn bao giờ hết. Những lúc ấy, dù bên mẹ đã có bà con, hàng xóm, chính quyền địa phương, nhưng mẹ vẫn dõi mắt về phía những cánh cửa màu xanh ấy. Để rồi, không biết có phải vì có sợi dây "thần giao cách cảm", hay vì hiểu được nỗi lòng của người mẹ mà các chiến sĩ áo xanh ngành Bưu điện luôn có mặt kịp thời để an ủi, động viên mẹ.

Có lẽ, giữa cuộc sống còn bộn bề toan tính, chỉ cần ngần ấy nghĩa cử cũng đủ làm ấm lòng những người mẹ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi và mất mát. Và cũng bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ làm "nặng lòng" đất và người mỗi khi các chiến sĩ áo xanh đặt chân đến.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.