Ý chí làm giàu của một thanh niên Hrê

03:03, 25/03/2012
.

(QNĐT)- Ý tưởng giăng lưới "chắn" hồ chứa nước Núi Ngang để nuôi cá của đoàn viên  người Hrê Phạm Văn Khôi xã Ba Liên huyện Ba Tơ thành hiện thực thật táo bạo. Bởi ở vùng đất tái định cư này, người dân sống một cảnh hai quê, nên có nhiều hộ cơm chưa đủ no, vậy mà anh đã bạo gan đầu tư gần 100 triệu đồng để khoanh vùng nuôi cá...

TIN LIÊN QUAN


* Khát khao chuyện nuôi cá
 

Đoàn viên Phạm Văn Khôi táo bạo đầu tư gần trăm triệu đồng để nuôi cá ở hồ chứa nước Núi Ngang.
Đoàn viên Phạm Văn Khôi táo bạo đầu tư gần trăm triệu đồng để nuôi cá ở hồ chứa nước Núi Ngang.

Chuyện nuôi cá của anh Khôi nẩy sinh từ cuộc sống khốn khó của  dân làng vùng đất tái định cư xã Ba Liên. Ngày đó, anh còn làm bí thư xã đoàn, nhưng việc tập hợp các đoàn viên sinh hoạt thật khó, bởi lực lượng đoàn viên trẻ, khỏe thường là trụ cột của gia đình nên phải đi làm đồng, trồng mía, trồng keo cho các đơn vị, lâm trường để mưu sinh.

Bí thư đoàn Phạm Văn Khôi trăn trở rất nhiều. Thế rồi, thấy mô hình nuôi cá trên hồ chứa nước Núi Ngang do Sở Thủy sản (nay sáp nhập vào Sở NN&PTNT Quảng Ngãi) triển khai thành công, anh đã bàn với các đoàn viên Dương Minh Thu, Phạm Văn Lê vay tiền của Ngân hàng chính sách 60 triệu đồng mua lồng và 5.000 con cá trắm cỏ, chép, cá mè... thả xuống lòng hồ nuôi.

Lần đầu tiên nuôi cá mà, lại nuôi trong lồng, thiếu kỹ thuật chăm sóc, nên cá chết nhiều. Nguồn thức ăn phải mua bột công nghiệp để đầu tư nên lứa đầu thu hoạch chẳng có lời.

Các đoàn viên cùng làm với anh thấy vậy nản lòng "chào thua". Anh Khôi không thể thuyết phục anh em được, nhưng trong lòng anh vẫn khao khát chuyện nuôi cá để là mở hướng cho các đoàn viên nuôi cá phát triển kinh tế trên hồ Núi Ngang.

Hằng ngày cứ xong việc cơ quan, anh chạy ghe máy trên hồ quay về làng cũ để cùng canh tác với người cha vợ, và tiện thể thăm dò việc nuôi cá trên hồ.

Anh đã phát hiện ra khúc vịnh của lòng hồ rộng khoảng 5 ha, mà điểm "nút thắt" có chiều ngang chỉ khoảng 60 mét, nằm bên cánh đồng Núi Lở. Anh Khôi nảy sinh ý tưởng ngăn chỗ "nút thắt" này để nuôi cá tự nhiên.

Suy nghĩ thì vậy nhưng lòng hồ sâu mà nước thì mênh mông... Thế là đêm đêm, anh cùng cha vợ là ông Phạm Văn Hương đốt lửa ngồi bên bờ hồ để nghỉ cách nuôi cá hiệu quả. Anh Khôi quyết định về Đức Phổ tìm mua loại lưới thải của ngư dân. Anh mua tay lưới có chiều sâu 15 mét, và chiều dài 60 mét để giăng ngang khúc vịnh của lòng hồ để nuôi cá.  

*Nhốt cá ở một góc hồ

Mọi sự chuẩn bị và tâm lý đã sẵn sàng, đến tháng 3/2009, khi mực nước ở lòng hồ chứa nước Núi Ngang giảm xuống, anh Khôi đã huy động 14 anh em trẻ chủ yếu là đoàn viên, lặn xuống lòng hồ với độ sâu 3 mét đào rãnh giăng lưới, chằng đá.

Công việc được thực hiện ròng rã suốt 1 tuần.  Anh đến trung tâm giống ở Đức Phổ mua 20.000 con cá giống trắm cỏ, cá chép, cá mè... về thả nuôi. Do diện tích hồ rộng, cá ăn nguồn thức ăn tự nhiên nên lớn nhanh như thổi. Cá chưa đến kỳ bán nhưng đã có nhiều tư thương đến dặm hỏi mua. Anh Khôi vui mừng cầm chắc việc nuôi cá ở khúc vịnh lòng hồ đã thành công.

Hồ chứa nước Núi Ngang điểm  nuôi cá của đoàn viên Khôi
Hồ chứa nước Núi Ngang điểm nuôi cá của đoàn viên Khôi


Thế rồi, sự việc không như mong muốn, cá chưa xuất bán được thì tháng 8 mưa nguồn đổ về đã hất văng tấm lưới anh chằng ở đáy hồ. Cá thất thoát khá nhiều. Anh vội vàng thu hoạch nhưng chẳng được bao nhiêu thì những cơn mưa mùa đông ập đến liên tiếp, cá theo dòng nước xé lưới bơi tung ra ngoài hồ lớn. Thêm một lần thất bại nhưng anh vẫn không nản lòng, bởi những đàn cá xé lưới bơi đi đã ám ảnh anh.

    Đến tháng 7/2011, anh tiếp tục thuyết phục người bố vợ đầu tư thêm 40 triệu đồng để tu sửa lại hồ. Lần này, anh làm kiên cố hơn. Anh đổ 5 trụ bê tông để đóng dưới hồ, mua thêm một giàn lưới để giăng hai lớp.

"Giăng như vậy, cá thoát lớp lưới 1 thì còn lại lớp lưới thứ 2. Đợt này, hơn 20.000 con cá  trắm cỏ, trôi và cá chép thả nuôi cuối tháng 12/2011 không thoát đi đâu được. Cứ mỗi lần chèo ghe ra giữa hồ thả lưới, cá mắc trong lưới thấy lớn từng ngày ngẫm mà vui. Mọi sự nhọc nhằn đã dần tan biến". - Anh Khôi vui mừng nói.

Sự kiên trì của đoàn viên Phạm Văn Khôi đã giúp cho các đoàn viên hiểu được cái ý chí, nghị lực vươn lên ở một vùng đất khó. Lứa cá của anh trong đợt nuôi này chưa xuất bán nhưng đã có tư thương từ các tỉnh Tây Nguyên, các huyện đồng bằng trong tỉnh dặm hỏi mua, mở ra hướng làm ăn cho các đoàn viên trong xã.

Bí thư xã đoàn Ba Liên Phạm Thị Hà cho biết: "Địa thế nằm bên Quốc lộ 24 thuận lợi, từ mô hình của anh Khôi, trong nhiệm kỳ này, xã đoàn sẽ phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện Ba Tơ tạo điều kiện cho các đoàn viên vay vốn chăn nuôi gia súc, phát triển trồng cây lâm nghiệp và đặc biệt là tận dụng mặt nước hồ chứa nước Núi Ngang để nuôi cá".


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.