"Rẫy thoát nghèo" của thanh niên Gò Nay

06:03, 21/03/2012
.

(QNg)- Nhờ miệt mài vun trồng, chăm sóc mà mỗi năm, 2 ha đất đồi núi đã mang về cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thôn Gò Nay, xã Long Sơn (Minh Long) gần 20 triệu đồng. Số tiền này đã được các ĐVTN trong thôn mượn xoay vòng để đầu tư phát triển kinh tế, giúp nhau vươn lên thoát nghèo…

TIN LIÊN QUAN


Đưa tay chỉ về phía ruộng mì xanh tốt, thân cao quá đầu người, anh Đinh Văn Hồ - Bí thư Chi đoàn thôn Gò Nay phấn khởi khoe: "Đó là "Rẫy thoát nghèo" của thanh niên thôn mình đấy. Nhờ nó mà nhiều ĐVTN đã có vốn để làm ăn, từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo". Nói đoạn, anh Hồ đưa tôi băng qua ngọn đồi nhỏ được phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của keo, mì và bảo rằng: Cả khu vực này trước kia chỉ là vùng đất trống đồi trọc do người dân không mặn mà với việc trồng rừng.

 

Rẫy mì của ĐVTN Chi đoàn thôn Gò Nay sắp đến kỳ thu hoạch.
Rẫy mì của ĐVTN Chi đoàn thôn Gò Nay sắp đến kỳ thu hoạch.

Nhưng từ khi "Rẫy thoát nghèo" ra đời, tạo nguồn thu cho Chi đoàn để hỗ trợ vốn cho thanh niên, thì nhiều người đã mạnh dạn xin gia đình hoặc thuê lại đất để đầu tư trồng keo, mì. Nhờ mang lại hiệu quả rõ nét nên mô hình này đang thu hút ngày càng đông ĐVTN tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong công tác trồng và bảo vệ rừng của cả người dân thôn Gò Nay.

Với diện tích 2 ha đất đồi, từ năm 2007 đến nay "Rẫy thoát nghèo" của Chi đoàn thôn Gò Nay đã giúp cho nhiều ĐVTN có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một số thanh niên sau khi kinh tế khấm khá, không chỉ hoàn trả vốn cho Chi đoàn mà còn giúp đỡ cây con, kinh nghiệm cho những ĐVTN có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong thôn. Điển hình như anh Đinh Tấn Công, một hộ vốn được xếp vào diện đặc biệt khó khăn. Vậy mà sau 4 năm, anh đã tạm biệt cái đói nghèo và đang dần có tích lũy.

Chuyện là sau khi lập gia đình ra ở riêng, gia tài chẳng có gì ngoài mấy sào đất rừng khô cằn, sỏi đá mà bố mẹ để lại. Dù đã chịu khó đi làm thuê quần quật cả ngày, nhưng cặp vợ chồng trẻ vẫn bị nghèo đói bám riết. Đang lúc túng quẫn, tính chuyện bỏ quê lên Tây Nguyên hái cà phê thuê thì anh Công được Ban chấp hành Chi đoàn đến động viên, cho mượn 7 triệu đồng để trồng rừng.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", năm đầu tiên anh Công tập trung cải tạo đất trồng mì và nuôi heo, gà để nhanh tạo nguồn thu nhập ban đầu. Sau khi có được ít vốn lận lưng, anh đầu tư trồng keo xen mì. Đến nay không chỉ hoàn trả được số tiền 7 triệu đồng cho Chi đoàn, mà anh Công còn có của ăn của để nên sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn bằng kinh nghiệm của mình.

Không chỉ tạo được quỹ hỗ trợ thanh niên từ "Rẫy thoát nghèo", Chi đoàn thôn Gò Nay còn thường xuyên tổ chức các đợt tình nguyện để ĐVTN giúp nhau ngày công khi vào vụ trồng và khai thác keo, mì. "Nhà neo người, nếu không có thanh niên trong thôn giúp đỡ thì không biết đến bao giờ mình mới phát dọn và trồng xong 1,2 ha keo", đoàn viên Đinh Văn Ví bộc bạch. Không riêng gì anh Ví, mà cách giúp đỡ theo kiểu "vần công" như thế đã giúp cho nhiều gia đình ĐVTN trong thôn tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, giảm áp lực "cháy" lao động khi vào vụ thu hoạch rộ các loại cây hoa màu.

Đánh giá về mô hình "Rẫy thoát nghèo" của ĐVTN thôn Gò Nay, anh Huỳnh Văn Bốn- Phó Bí thư Huyện đoàn Minh Long khẳng định: Tuy mới ra đời vừa tròn 5  năm, nhưng đây là một trong số ít công trình thanh niên mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bởi lẽ, nhiều tổ chức đoàn cơ sở cũng từng đăng ký "Công trình thanh niên" là trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhưng không thành công. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển khai cho các chi đoàn trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm để từng bước đổi mới, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào cho thanh niên.

Thiết nghĩ, trong khi nhiều tổ chức đoàn cơ sở đang phải loay hoay với câu hỏi làm thế nào để thu hút được thanh niên đến với Đoàn, thì những công trình như "Rẫy thoát nghèo" của thanh niên Chi đoàn thôn Gò Nay rất đáng để cho các tổ chức Đoàn trong tỉnh phải học hỏi. Bởi, không chỉ tạo được nguồn quỹ để hoạt động, mà mô hình này còn góp phần làm đa dạng hóa các hoạt động, tạo sân chơi tập thể lành mạnh và bổ ích cho lực lượng thanh thiếu niên trong tình hình khan hiếm sân chơi như hiện nay. "Tuy nhiên, để mô hình này được tiếp tục "sống khỏe" thì cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc bố trí quỹ đất, giúp thanh niên có đất để triển khai sản xuất nhằm tạo nguồn thu cũng như gắn kết, thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn" - anh Huỳnh Văn Bốn khẳng định.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 


.