Chuyện gia đình

04:03, 18/03/2012
.

*Thanh Thảo


Ảnh minh hoạ. Internet
Ảnh minh hoạ- Internet

(QNĐT)- Nghĩ cho cùng, không có ai là hoàn hảo cả. Kể cả những “cặp đôi hoàn hảo” cũng chỉ là hoàn hảo một cách tương đối và trong một vài lĩnh vực nào đó thôi.

TIN LIÊN QUAN


Đã có gia đình là phải mang trách nhiệm với gia đình. Tất cả những người đàn ông bình thường đều nghĩ như vậy và đều cố gắng trong khả năng của mình để làm như vậy. Nhưng để có thể lo cho gia đình mình một cách tối đa trong khi vẫn bảo đảm làm công việc của mình một cách tốt nhất thì quả thật khó.

Công việc gia đình gồm một số đầu việc lặp đi lặp lại và một số đầu việc phát sinh. Nhiều khi tôi có thể làm tốt một số đầu việc phát sinh nhưng lại không làm tốt những đầu việc quen thuộc lặp đi lặp lại. Đành phải trông cậy vào vợ mình, và nhiều khi trông cậy một cách vô tư, nói rõ hơn là ỷ lại.

Tôi còn nhớ, ngày hai đứa con tôi còn nhỏ, cũng là thời gian gia đình tôi cũng như mọi gia đình cả nước phải sống trong một thời kỳ rất gian khó gọi là “thời bao cấp”. Hàng ngày, việc đưa đón con nhỏ hầu như tôi phó thác cho vợ mình. Không phải tôi bận rộn chuyện gì ghê gớm lắm, vì thời ấy có rất ít đầu việc để làm. Chỉ là những chuyện anh em văn nghệ tụ tập bù khú, nhiều khi nhậu nhẹt, nhiều khi tào lao, mà hết giờ.

May mà vợ tôi rất đảm đang, ngoài công việc cơ quan lại lo hết việc nhà, từ đưa đón con tới chợ búa và cơm nước. Bây giờ nghĩ lại, chính cái “thời bao cấp” đói khổ ấy lại khiến con người ta dễ sống ỷ lại, vì mọi “tiêu chuẩn” đều nằm hết trong tem phiếu “Bắt phong trần phải phong trần/Cho may-ô mới được phần may-ô/” (Thơ thời bao cấp) nên cứ tà tà mà khổ, lổ mổ mà sống, kiểu gì rồi cũng qua, rất ít có khát vọng vượt thoát, thay đổi. Bây giờ thì khác hẳn.

Trong gia đình không chỉ người đàn ông mà cả người phụ nữ cũng có nhiều việc để làm, nhiều mối để lo toan, và nhiều cánh cửa có thể mở ra cho sự thành đạt. Vì thế, gia đình bây giờ cũng khác. Công việc giữa hai vợ chồng được phân công một cách bình đẳng hơn, nhất là những đầu việc “trong nhà” thường lặp đi lặp lại.

Con trai tôi bây giờ cũng phải biết đưa đón con, chứ không thể phó thác hết cho vợ nó. Phải biết cân đối giữa công việc của mình và công việc nhà, trong đó có việc dạy dỗ con.

Với những gia đình có thu nhập còn thấp, thì những việc nhà thường được thu gọn tới mức tối thiểu, để thời gian cho những công việc làm thêm hay kiếm tiền.

Tôi rất quí những người đàn ông bây giờ biết làm thêm, biết kiếm tiền một cách chính đáng cho gia đình mình. Dĩ nhiên, khi anh dồn tâm sức vào công việc ngoài giờ, anh sẽ rất khó để chu toàn những công việc trong nhà. Nhưng đó là điều cả hai vợ chồng phải vui vẻ chấp nhận.

Chỉ có điều, những áp lực của cuộc sống không chỉ là áp lực của kinh tế, của đồng tiền. Làm ra nhiều tiền chưa hẳn đã có hạnh phúc. Đôi khi, người ta tìm gặp được hạnh phúc một cách giản dị, thậm chí đơn giản, và tốn rất ít tiền, thậm chí không tốn tiền. Như dẫn con trẻ đi tô tượng ở siêu thị, hay đọc cho con nghe một chuyện cổ tích, mở cho con nghe một bản nhạc, tặng cho vợ mình một bông hoa trong ngày 8/3… Những việc ấy đều có thể mang lại hạnh phúc.

Và, biết quan tâm tới người khác, biết chìa tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đau khổ hơn mình, biết đóng góp cho cộng đồng cũng là một cách mang lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình mình.

Nếu gia đình mình là một con thuyền nhỏ, thì có hàng triệu con thuyền như thế của đất nước đang lướt trong biển đời. Sự cưu mang, giúp đỡ nhau giữa những con thuyền nhỏ ấy mang lại một sự sống lớn hơn, một niềm hạnh phúc lớn hơn./.
 


.