Nghị lực của “chàng trai da cam”

08:08, 04/08/2011
.

(QNĐT) - Không may mắn có thân hình hoàn hảo như những người bình thường, khuôn mặt dị dạng, chân tay teo tóp, chiều cao chỉ hơn 1m nhưng với nghị lực phi thường, chàng trai Đỗ Văn Viện, sinh năm 1987, quê ở xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh) - một nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua biết bao khó khăn để đến trường, rồi trở thành chuyên viên của Sở Nội vụ.

Chúng tôi tìm đến nơi làm việc của Viện - Trung tâm Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ), Viện đang ngồi bên chiếc máy tính nhập hồ sơ cán bộ công chức. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên bởi là người khuyết tật mà đôi tay của Viện đánh máy rất điêu luyện chẳng kém gì một nhân viên bình thường.

Khuôn mặt, thân hình dị dạng ấy không làm mất đi sự thông minh, tự tin, hỏm hỉnh, yêu đời trong con người của Viện, khiến những ai tiếp xúc với em đều dễ dàng nhận ra.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội, bố và mẹ đều đã từng tham gia kháng chiến, Viện là con thứ tư trong gia đình có năm anh em. Với những người thân của Viện, họ sống cho lý tưởng, tự hào vì góp sức mình đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho quê hương hôm nay nhưng không ngờ sự nghiệt ngã của chiến tranh đã khiến họ phải mang trong mình chất độc da cam, để rồi chúng truyền sang những đứa con của họ.

Do bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam, nên khi sinh ra Viện không may mắn có thân hình hoàn hảo như các anh chị. Nay đã 24 tuổi nhưng Viện vẫn mang trong mình hình dáng của một đứa trẻ lên năm. Dù vậy, chàng trai này chưa từng nghĩ sự khiếm khuyết ấy sẽ là chướng ngại, vật cản trở con đường học tập và phấn đấu của bản thân.
 
a
Hằng ngày, Viện đạp xe đạp hơn 10km  để đến nơi làm việc.

Viện tâm sự “Từ nhỏ em đã mặc cảm với xã hội vì bị một số người khinh thường, dè bỉu. Ý thức được rằng như người bình thường là không thể nên em nuôi dưỡng ước mơ đến trường, quyết tâm học tập để sau này không ai coi thường mình, hơn nữa đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Thế là suốt 12 năm liền, dẫu mưa hay nắng, chàng trai tật nguyền này vẫn cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Những ngày đầu đến lớp, khó khăn khi chiều cao của bàn ghế vượt xa tầm với của mình, gân tay bị teo nên không thể cầm bút dễ dàng, những ánh mắt dòm ngó của mọi người…

Để có được những thành công nhất định trong cuộc sống, ai ai cũng phải nỗ lực. Nhưng đối với Viện nói riêng và những người khuyết tật nói chung, nỗ lực ấy càng phải lớn hơn gấp ngàn lần.

Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, Viện đã khiến bạn bè, thầy cô phải nể phục bởi liên tiếp 12 năm học, Viện luôn đạt thành tích khá giỏi. Với nghị lực phi thường, một lần nữa Viện khiến mọi người thán phục khi đỗ vào khoa Thư viện, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

Bước vào giảng đường đại học phải xa nhà nên cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn hơn. Để trang trải học tập, đỡ phần nào chi phí cho gia đình, Viện đã đi làm gia sư. Với em tự lo cho bản thân, ngoan ngoãn vâng lời ông bà, cha mẹ, trở thành người có ích cho xã hội, đó là trả hiếu cho bố mẹ.

Ra trường, với tấm bằng cử nhân trên tay, Viện ôm trong mình bao hoài bão về tương lai tươi sáng hơn, nhưng tìm được việc làm với bao người bình thường khác đã khó, với Viện càng khó khăn hơn khi đến đâu Viện cũng nhận được câu trả lời “không có chỉ tiêu”.

Viện bộc bạch “Lúc đó em hết sức lo lắng về tương lai của mình. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, chẳng lẽ mình chấp nhận bỏ cuộc? Thế rồi như được tiếp thêm nghị lực, em mạnh dạn mang hồ sơ đến gặp trực tiếp chú Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ để hỏi xem có nơi nào tuyển dụng không.
 
Không ngờ, sau một hồi trò chuyện và chia sẻ, chú Thanh quyết định nhận em vào làm việc tại Trung tâm Văn thư lưu trữ của Sở. Nghe tin ấy, em giống như đang nằm mơ vì không tin nổi sự thật. Em mang ơn chú và tự nhủ sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với niềm hy vọng của mọi người”.

Thế là, hằng ngày, cứ đúng 6 giờ sáng, Viện lại đạp chiếc xe đạp cà tàng hơn 10km để đến nơi làm việc. “Dù mang trong mình di chứng của chất độc da cam nhưng Viện luôn là người thông minh, tự tin. Viện lúc nào cũng là một người hòa đồng, vui vẻ với mọi người. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp, Viện luôn làm tốt công việc được giao, hơn nữa em còn có tài làm thơ mà đến bản thân tôi còn phải nể phục” - chị Võ Thị Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn thư lưu trữ (Sở Nội vụ) chia sẻ.
 
a
Dù mang trong mình di chứng của chất độc da cam nhưng Viện luôn là người thông minh, tự tin. Viện lúc nào cũng là một người hòa đồng, vui vẻ với mọi người và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mang những bài thơ mà Viện sáng tác ra khoe với chúng tôi, chị Châu không ngớt lời khen ngợi về cậu nhân viên “đặc biệt” của mình. Khuyết tật về hình thể nhưng bù lại Viện có một tâm hồn hoàn hảo. Những bài thơ mà em sáng tác là những cảm nhận cái đẹp đích thực của tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi. “ Quê tôi đẹp không phải trong cái lạ. Mà đẹp vì bởi những tháng ngày xa… Quê tôi đẹp bởi luôn gần tôi mãi. Tiếng gà gáy, làng quê bếp khói. Giọt sương cỏ, bờ tre vẫy gọi. Bên đất cày tri kỷ rượu cùng trăng…”.

Khi được hỏi về lời nhắn nhủ đến những người không may mắn như mình, Viện tự tin, chẳng thể kể hết được những chông gai để có được ngày hôm nay, nhưng sự “quả ngọt” sẽ luôn dành cho những người lạc quan, yêu đời.

Tạm biệt Viện ra về nhưng trong lòng chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực phi thường của em. Hy vọng rằng ngày càng có nhiều những người như em được tạo điều kiện thuận lợi để trở thành người có ích cho xã hội. 

Ái Kiều

.