Nữ bác sĩ trẻ vùng cao hết lòng vì bệnh nhân

10:02, 25/02/2011
.

(QNg)- Mới 30 tuổi thế nhưng nữ bác sĩ Huỳnh Thị Huệ- Trưởng trạm y tế xã Sơn Mùa (Sơn Tây) đã có gần 10 năm gắn bó với công tác y tế vùng cao. Tốt nghiệp chị tình nguyện lên công tác miền núi, vượt qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn về điều kiện  sinh hoạt lẫn trong công tác chuyên môn. Nhưng với lòng yêu nghề, tận tâm vì người bệnh nghèo, chị đã gắn bó với người dân ở các bản làng Sơn Tây, cứu sống không ít trường hợp nguy kịch, đem niềm tin yêu cho dân bản...

Chúng tôi đã gặp chị khi chị vừa cấp cứu xong một trường hợp ngộ độc thức ăn. Nạn nhân là chị Đinh Thị Thia, ở tận xã Sơn Liên, do ăn phải mỡ động vật bị ôi thiu, người nhà đưa đến trạm y tế trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch.
 
 Bác sĩ Huỳnh Thị Huệ - Trưởng trạm y tế Sơn Mùa đang khám bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ Huỳnh Thị Huệ - Trưởng trạm y tế Sơn Mùa đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Trò chuyện với chúng tôi chị Huệ khiêm tốn, dịu dàng: Chị sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh). Đi học, chị  mong ước ra trường có nghề ổn định, để tự nuôi sống bản thân và chữa bệnh cho thật nhiều người nghèo. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nghe thầy cô kể về những bệnh nhân nghèo ở miền núi vì mê tín dị đoan, lại thiếu bác sĩ điều trị, nên nhiều người chết chỉ vì những bệnh không đáng. Vì thế điều đầu tiên sau khi ra trường là chị tình nguyện lên miền núi, thực hiện dự định ấp ủ từ khi là sinh viên.

Tốt nghiệp chị lên miền núi công tác, quyết định ấy khiến cả nhà ngạc nhiên: "Bởi lẽ mình là con gái, chưa có chồng, lại một thân một mình giữa núi rừng, nên người thân rất lo lắng. Nhưng mình đã quyết thì dù khó khăn cũng phải thực hiện cho bằng được" - chị Huệ tâm sự. Những ngày chuẩn bị hành trang đến Sơn Tây nhận nhiệm vụ là những ngày mà bản thân chị đấu tranh tư tưởng rất nhiều, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu nghề nghiệp đã "tiếp lửa" để chị đến với bản làng xa xôi. Một mình lên non lập nghiệp, hành trang chị Huệ mang theo chỉ có ba bộ đồ, một ít đồ ăn khô và kiến thức học được ở trường.

Những ngày tháng xa nhà, chị vấp phải không ít khó khăn, thử thách, nhưng rồi mỗi ngày được chăm sóc cho người bệnh, được nhìn thấy bà con dân bản khoẻ mạnh sau những ngày ốm liệt giường bởi hủ tục cúng ma bệnh, càng làm chị Huệ thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Chị Huệ tâm sự: Lúc mới lên nhận công tác, nhìn thấy Trạm y tế của xã chỉ là một ngôi nhà cấp bốn cũ được làm bằng gỗ và lợp mái tranh, trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc men đều thiếu trước hụt sau. Trạm chỉ có hai nhân viên nữ, ban đêm chỉ có mình chị ở Trạm, nghe tiếng thú rừng kêu mà sợ run lên. Nhưng dần dà chị quen với cuộc sống mới nên cũng bớt lo. "Giờ thì Trạm y tế của mình đã khang trang rất nhiều, nên mình đã yên tâm hơn trong công tác"- chị Huệ vui mừng khoe.

Có dịp tiếp xúc với một số người dân từng là bệnh nhân của bác sĩ Huệ, tôi thấy họ luôn dành những lời khen ngợi cho người nữ bác sĩ trẻ. "Bác sĩ Huệ tốt cái bụng lắm, lần đó mình bị đau ruột, nếu không có bác sĩ mình đã chết rồi. Dân bản ai cũng tin yêu chị hết"- Chị Đinh Thị Nha (ở Sơn Mùa) nói với tôi. Có được sự tin yêu ấy bản thân chị Huệ đã nỗ lực rất lớn.

Vì đa số cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao ở Sơn Tây gặp rất nhiều khó khăn, lại nặng về tệ nạn mê tín dị doan, hay  cúng bái, điều này đã ăn sâu vào tâm trí nên khi đau ốm, nhiều trường hợp không đến Trạm y tế, nên bác sĩ như chị Huệ vừa phải lo làm công tác chuyên môn, lại kiêm thêm công tác vận động, trước hết là cứu sống bệnh nhân, sau đó để người dân hiểu. Nhưng không ít trường hợp oái ăm. Chị Huệ kể: Nhiều lúc bị xua đuổi, cản trở công tác chuyên môn. Lúc đó, mình phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, yêu nghề mới vượt qua những khó khăn.

Mười năm công tác nơi núi rừng, chị đã cứu hàng trăm bà con dân bản thoát khỏi "lưỡi hái của thần chết". Chị bộc bach: "Mỗi khi nghe dân bản báo có người bệnh nặng, gia đình tổ chức cúng bái không khỏi, mình cùng với chị em phải lội bộ cả ngày mới đến nơi. Thấy bệnh nhân đang nằm bất động trên giường, mình thấy xót xa, tâm nghề trỗi dậy, mình xông vào cứu người bệnh, nhưng lại gặp phải cản trở của người nhà bệnh nhân. Mình phải thuyết phục lấy tính  mạng của mình ra cược, họ mới đồng ý. Bắt tay vào khám mới biết người phụ nữ bị bệnh tiêu chảy, do mất nước quá nhiều, nên kiệt sức. Mình đã điều trị khỏi cho bệnh nhân. Gia đình họ lúc này mới tin, nắm tay cảm ơn rối rít, Đó là kỷ niệm mình nhớ nhất".

Ông Đinh Hồng Nhía -  Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cho biết: "Trong khi huyện Sơn Tây còn nhiều khó khăn, rất cần nguồn lực bác sĩ trẻ, bác sĩ Huỳnh Thị Huệ là một cán bộ rất tâm huyết, hết lòng vì công việc và rất tận tình với dân bản. Nhờ bác sĩ Huệ, nên hạn chế được không ít trường hợp bệnh nhân chết oan do hủ tục lạc hậu vì kém hiểu biết".

 Bác sĩ Huệ đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen các cấp, trong đó có bằng khen của Sở Y tế tặng cho cá nhân có thành tích suất sắc trong công tác y tế ở miền núi.

     Bài, ảnh: KIM NGÂN

.