Vươn lên từ khát vọng...

08:06, 29/06/2010
.

(QNg) - Người lương y vững tâm bền chí, như thể mẹ hiền vất vả sớm khuya...". Cháy bỏng ước mơ làm một "chiến sĩ" lương y, chị Đặng Thị Phượng đã nỗ lực không mệt mỏi. Từ một y sĩ sản nhi, sau gần 20 năm phấn đấu, miệt mài công tác, học tập với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, chị đã thành công trong sự nghiệp với cương vị là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.

Chị Đặng Thị Phượng
Chị Đặng Thị Phượng
 Nhiều lần hẹn gặp nhưng chị lại bận, công việc cứ "cuốn" chị đi. Bí quá, tôi phải "xin" chị dăm phút trước buổi trực báo đầu tuần tại Sở Y tế. Câu chuyện về chị thật sự làm tôi cảm động và khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của người phụ nữ. 20 ngày tuổi, chị đã mồ côi mẹ. Chị không có được diễm phúc gọi tiếng mẹ thân thương và  thiêng liêng dẫu chỉ một lần. Và khi bập bẹ được tiếng ba thì cha chị cũng vĩnh viễn nằm lại chiến trường vì độc lập, tự do của dân tộc. Với chị, không có nỗi đau nào lớn hơn thế. Từ đó, 3 chị em côi cút lớn lên trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của ông bà nội. Mặc cho bao gian khó của thời hậu chiến, chị đã lớn lên và nuôi dưỡng ước mơ làm bác sĩ. Ước mơ, khát vọng ấy đã thôi thúc chị không ngừng phấn đấu vươn lên, miệt mài đèn sách.

Chị Phượng kể: Ngày còn đi học phổ thông, một lần chị đi nuôi người thân nằm viện, nhìn các y, bác sĩ chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, chị thấy họ vĩ đại quá, cao thượng quá và chị muốn trở thành thầy thuốc để đem lại hạnh phúc, niềm vui chiến thắng bệnh tật cho mọi người. Hình ảnh, việc làm của người chiến sĩ lương y như có sức mạnh mãnh liệt, làm động lực giúp chị vượt qua mọi trở ngại, khó khăn của cuộc sống thường ngày.

Quê chị nghèo, nhà ông bà nội chị cũng vậy, họ hàng, người thân quanh năm một nắng hai sương ngoài đồng, mấy ai được học hành đến nơi, đến chốn. Thương cháu, ông bà nội đã không quản nhọc nhằn, cố gắng làm lụng kiếm tiền cho chị  Phượng ăn học. Năm 1989, với tấm bằng chuyên môn là y sĩ sản nhi, chị Phượng lên huyện miền núi Ba Tơ nhận công tác. Bao nhiêu tâm huyết, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và lòng say mê, yêu nghề, chị Phượng dành trọn cho những ca trực, cho những bệnh nhân của mình. Với chị, được tận tay chăm sóc và giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật là một niềm vui, hạnh phúc vô bờ.

Bây giờ, đã gần 20 năm làm nghề y, chị vẫn còn nhớ như in sau ngày nhận công tác chưa lâu, lần đầu tiên đối diện với một ca đẻ song sinh tại nhà thai phụ. Ngày đó, phương tiện, thiết bị y tế còn quá đơn sơ, kết quả thăm khám chưa biết là song sinh, chỉ chẩn đoán là thai nhi lớn. Khi đứa bé chào đời, thấy thai phụ vẫn còn "muốn" đẻ nữa, chị đâm hoảng và bối rối nhưng trấn tĩnh ngay, chị tiếp tục thao tác để đứa bé thứ hai cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của cả nhà mừng mẹ tròn, con vuông.

Không bằng lòng dừng lại ở nhiệm vụ là một nữ y sĩ sản nhi, chị Đặng Thị Phượng tiếp tục đi học bác sĩ đa khoa tại Huế khi con trai đầu lòng mới tròn 1 tuổi. Đến năm 1998 chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, sau đó chị tiếp tục theo học và hoàn thành chương trình bác sĩ chuyên khoa 1.

Từ năm 2008 đến nay chị giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Nhìn lại chặng đường đã đi qua với bao thăng trầm của cuộc sống và những vui buồn trong nghề, có cả vinh quang và khó khăn, vất vả, chị Phượng cảm thấy mãn nguyện vì đã "hiện thực hoá" được ước mơ ngày nào, trực tiếp cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, đem đến niềm vui, hạnh phúc cho họ và người thân.

Có được như ngày hôm nay, chị Phượng không bao giờ quên công ơn trời bể của ông bà nội, những người đã chắp cánh cho ước mơ làm bác sĩ của chị thành hiện thực. Chị cũng vô cùng biết ơn chồng, người "tiếp sức" để chị vươn lên trong công tác. Những năm chị đi học xa, anh tự nguyện "lùi" về làm hậu phương vững chắc của chị, thay chị chăm sóc các con. Càng ngày, công việc chuyên môn lấy đi càng nhiều thời gian của chị, anh vui vẻ chia sẻ việc nhà, thông cảm, động viên chị yên tâm phấn đấu, cống hiến cho xã hội. Từ lâu anh đã trở thành người anh, người bạn tốt của chị trên mọi nẻo đường. Đến bây giờ, hàng chục bằng khen, 2 kỷ niệm chương và nhiều phần thưởng cao quý khác mà chị được các cấp trao tặng là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của bản thân và sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp. Chị Đặng Thị Phượng thật sự là tấm gương tiêu biểu của lòng kiên trì vượt khó, nghị lực vươn lên thực hiện ước mơ, khát vọng không chỉ cho riêng mình.

Bài, ảnh: Hồng Trâm

.