Ứng dụng khoa học và công nghệ: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

08:09, 09/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, kết quả ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng góp quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện chất lượng nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn của tỉnh.
[links()]
 
Xác định rõ phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động KH&CN, thời gian qua, các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm khoảng 50% số lượng đề tài, dự án được triển khai hằng năm. Qua đó, đã góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.
 
Bê lai Red Angus của gia đình ông Phạm Thọ, ở thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ).
Bê lai Red Angus của gia đình ông Phạm Thọ, ở thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ).
Tiêu biểu là dự án Chọn tạo và phát triển một số giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt phục vụ sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân Quảng Ngãi và một số tỉnh khu vực miền Trung. Dự án này đã chọn tạo được các giống lúa mới QNg6, QNg13, QNg128, TĐ 145 ngắn ngày, năng suất cao (65-70 tạ/ha) được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ... 
 
Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đỗ Đức Sáu cho biết, để nhân rộng giống lúa mới ra các tỉnh lân cận, năm 2020, đơn vị đã tiến hành sản xuất thử diện rộng với tổng diện tích trên 259ha các giống QNg6, QNg13 tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Kết quả, giống lúa QNg6 đạt năng suất trung bình gần 75 tạ/ha, vượt hơn giống đối chứng khoảng 12% về năng suất, hơn 18% về hiệu quả kinh tế; giống QNg13 đạt năng suất trung bình xấp xỉ 73 tạ/ha, vượt hơn giống đối chứng gần 13% về năng suất, hơn 22% về hiệu quả kinh tế. Hiện Sở NN&PTNT các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã đưa các giống lúa trên vào cơ cấu giống triển vọng của tỉnh và đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận giống lưu hành (giống Quốc gia) để sớm phục vụ sản xuất.
 
Trong khi đó, dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển chăn nuôi bò lai cho người dân ở các xã miền núi TX.Đức Phổ (gồm các xã Phổ Nhơn, Phổ Phong), sử dụng  tinh bò ngoại gồm 4 giống: Charolais, Red Angus, BBB và Brahman để phối giống bò cái Zêbu nhằm cải tạo tầm vóc, chất lượng đàn bò địa phương. Số lượng bò cái phối giống có chửa 1.972 con. Số bê sinh ra từ phối giống dự án là 1.846 con (đạt 110% kế hoạch); trong đó, bê lai Brahman là 469 con, bê lai chuyên thịt 1.377 con. Từ thành công của dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX.Đức Phổ thực hiện dự án Nâng cao chất lượng giống bò thịt TX.Đức Phổ, giai đoạn 2020 - 2022, phối giống nhân tạo 20 nghìn lượt bò cái bằng tinh các giống bò hướng thịt; có chửa đạt 15.000 lượt bò cái, tỷ lệ phối giống có chửa trên 75%; tạo hơn 13.500 con bê lai có trọng lượng sơ sinh hơn 26kg/con đối với bê lai chuyên thịt và trên 24kg đối với bê lai Brahman, tỷ lệ bê nuôi sống đến cai sữa đạt trên 90%.
 
Ngoài ra, để nâng cao năng suất, tăng thu nhập, góp phần phát triển chăn nuôi trâu thịt cho người dân ở huyện miền núi của tỉnh, dự án Ứng dụng kỹ thuật nuôi trâu cải tiến để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Hrê và bảo vệ môi trường ở huyện Minh Long đã hỗ trợ 12 con trâu đực giống để phối giống cho trâu cái địa phương ở 10 thôn, thuộc 2 xã Long Môn và Long Sơn (Minh Long). Sau 2 năm triển khai dự án, số trâu cái phối giống có chửa là 528 con và đã có 315 nghé con sinh ra, phát triển khoẻ mạnh. Số nghé mới sinh có trọng lượng nặng hơn và thân hình to khoẻ hơn so với giống nghé địa phương. Trọng lượng nghé sơ sinh là 23 kg/con, trọng lượng nghé lúc 12 tháng tuổi là 148 kg/con. Đến nay, kết quả dự án được người dân hưởng ứng và nhân rộng ra 5 xã của huyện Minh Long.
 
Bài, ảnh: ANH KHUÊ
 
 
 

.