Khát vọng tự động hóa

04:10, 13/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chúng tôi tìm về miền quê trung du huyện Nghĩa Hành để gặp chàng sinh viên năm cuối, Ngành Kỹ thuật cơ điện tử (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) Nguyễn Sỹ Dưỡng. Trò chuyện cùng Dưỡng mới thấy hết niềm đam mê về tự động hóa và khát vọng ứng dụng ngành học vào cuộc sống, giúp đỡ phần nào nỗi vất vả của người dân quê Dưỡng.
Nguyễn Sỹ Dưỡng là một trong 3 tác giả của chiếc máy cắt cỏ đa địa hình điều khiển từ xa đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và đạt giải khuyến khích giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ năm 2019 của Bộ GD&ĐT. Mới đây, em được nhận giải thưởng Kova lần thứ 18 - năm 2020 ở hạng mục triển vọng. 
 
 Nguyễn Sỹ Dưỡng (bên phải) cùng thầy giáo hướng dẫn bên máy cắt cỏ đa địa hình điều khiển từ xa.                Ảnh: Tr.Phương
Nguyễn Sỹ Dưỡng (bên phải) cùng thầy giáo hướng dẫn bên máy cắt cỏ đa địa hình điều khiển từ xa. Ảnh: Tr.Phương
 
Dưỡng đạt rất nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học. Trong đó, sản phẩm chiếc máy cắt cỏ đa địa hình là sản phẩm đầu tiên ứng dụng tự động hóa. Đó là thành công của Dưỡng và nhóm tác giả sau những tháng ngày đam mê nghiên cứu khoa học. Gia đình Dưỡng có đông anh em, bố mất sớm, mẹ gồng gánh nuôi các con ăn học.
 
Tốt nghiệp THPT, Dưỡng quyết định chọn Trường Đại học Phạm Văn Đồng để học tập và thực hiện đam mê, với một lý do rất đơn giản là thích ở quê và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Dưỡng tâm niệm ý thức học như thế nào mới là quan trọng. Tranh thủ thời gian rảnh, Dưỡng làm thêm để trang trải sinh hoạt phí đỡ đần mẹ và mua sắm các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học. 
 
Ngay từ nhỏ Dưỡng đã có ý tưởng muốn làm điều gì đó để giảm bớt sức lao động cho người nông dân, bởi vậy mới hình thành ý tưởng làm chiếc máy cắt cỏ đa địa hình. Đề tài được sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Trường Tiến, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
 
Tuổi thơ cảm nhận được sự nghèo khó, chàng sinh viên Nguyễn Sỹ Dưỡng luôn mong muốn thay đổi cuộc sống của mình bằng chính sự vươn lên trong học tập, chinh phục những kiến thức khoa học. Ước mơ trở thành kỹ sư thiết kế và lập trình viên về điều khiển tự động đã thôi thúc Dưỡng tiếp tục nỗ lực sau những thành công bước đầu. Trải qua năm thứ tư đại học, chặng đường đã gần đến đích, mơ ước lớn nhất của Dưỡng lúc này, là có được điều kiện kinh tế để tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng những sản phẩm khoa học của Dưỡng. Hiện Dưỡng đang theo đuổi hai đề tài nghiên cứu khoa học để tiếp tục tham gia các cuộc thi.
 
Dưỡng chia sẻ: “Những người lao động thủ công, nhất là nông dân rất cần sự hỗ trợ của máy móc. Do vậy, cần ứng dụng kết quả nghiên cứu tự động hóa vào trong công việc hằng ngày. Em muốn đưa tự động hóa về quê cũng là vì mục đích ấy”. Trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, Dưỡng đã tham gia hỗ trợ thầy giáo thực hiện đề tài máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy vận chuyển thức ăn cho khu cách ly tập trung. Dưỡng cho rằng đây là hoạt động vừa giúp em thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, vừa cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19.
 
TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.