Bào thai lai giữa người và khỉ: Đâu là đạo đức khoa học?

02:08, 19/08/2019
.
Lai tạo được xem như một trong những giải pháp tiềm năng để đối phó với tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép cũng như vấn đề đào thải nội tạng của cơ thể. Tuy nhiên, phôi thai khỉ đầu tiên có chứa tế bào người đã làm dấy lên hàng loạt tranh luận về đạo đức khoa học.
 
Một nhóm các nhà khoa học tới từ Viện Salk (Hoa Kỳ) và ĐH Công giáo Murcia (Tây Ban Nha) dẫn đầu bởi Giáo sư Juan Carlos Izpisúa Belmonte đã tạo ra phôi thai khỉ có chứa tế bào người. Nghiên cứu này đã lai tạo ra chimera (thuật ngữ tiếng Hy Lạp chỉ quái vật lai) đầu tiên trên thế giới giữa người và khỉ.
 
Phôi chuột nhắt với tế bào chuột đồng được đưa vào tim - Ảnh minh họa
Phôi chuột nhắt với tế bào chuột đồng được đưa vào tim - Ảnh minh họa
Chimera được xem như một trong những giải pháp tiềm năng để đối phó với tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép cũng như vấn đề đào thải nội tạng của cơ thể. Các nhà khoa học tin rằng trong tương lai, có thể phát triển phương pháp lấy tế bào một người trưởng thành và lập trình lại thành các tế bào gốc - vốn cho phép tạo ra bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, sau đó chúng được cấy vào phôi của một loài khác để phát triển thành một bộ phận của cơ thể người và có thể cấy ghép cho người.
 
Giáo sư Belmonte và nhóm nghiên cứu trước đây đã từng thành công trong việc tạo ra phôi lợn và phôi cừu có chứa tế bào người, dù với tỉ lệ rất nhỏ. Với trường hợp phôi lợn, ước tính chỉ có 1/100.000 tế bào là của người. Chimera lợn-người và cừu-người được quan tâm thử nghiệm trước một phần vì nội tạng lợn và cừu có kích thước phù hợp có thể cấy ghép cho người. Tuy vậy, kết quả thử nghiệm cho thấy tế bào người không duy trì được một cách hiệu quả trong phôi các loài này.
 
Do đó, khả năng thí nghiệm chimera khỉ-người, hai loài vốn có khoảng cách di truyền gần nhau hơn, là nhằm mục đích khám phá cách cải thiện tỉ lệ tế bào người trong cơ thể động vật.
 
Tuy vậy, các chi tiết về nghiên cứu được tiết lộ vẫn rất nhỏ giọt. Giáo sư Belmonte và các đồng nghiệp đã từ chối không trả lời câu hỏi chi tiết từ báo chí với lý do đang chờ đợi việc công bố kết quả lên các tạp chí nghiên cứu lớn.
 
Ranh giới đỏ 14 ngày
 
Nhóm nghiên cứu cũng trấn an các lo ngại về đạo đức khi giải thích rằng các phôi chimera khỉ-người, tương tự như các thử nghiệm trước đây ở lợn và cừu, sẽ chỉ được phát triển trong vài tuần (được gọi là “ranh giới đỏ 14 ngày”), trước khi phôi hình thành hệ thần kinh và các cơ quan khác.
 
Tuy vậy, theo GS. Robin Lovell-Badge, nhà sinh học phát triển từ Viện Francis Crick, London, nếu các chimera này được phép phát triển hơn nữa thì sẽ có thể đáng lo ngại. “Làm thế nào để anh tự hạn chế các tế bào người chỉ đóng góp vào một loại nội tạng mà anh muốn có? Nếu nó chỉ cho ra một tuyến tụy, một quả tim hay quả thận chẳng hạn, thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu anh cho phép những sinh vật này ra đời và những tế bào người anh cấy vào có ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh trung ương của sinh vật đó, thì rõ ràng đã trở thành một mối lo ngại”.
 
Cùng thời điểm khi tin tức về chimera khỉ-người xuất hiện, một nhóm nhà nghiên cứu từ ĐH Tokyo và ĐH Stanford, dẫn đầu bởi GS. Hiromitsu Nakauchi, đã nhận được sự chấp thuận đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản để nghiên cứu tạo ra chimera chuột nhắt-người quá ngưỡng 14 ngày, dấy lên lo ngại liệu các nghiên cứu có thể cho ra đời một chimera hoàn chỉnh hay không.
 
GS. Lovell-Badge cho biết một khi ra đời, các sinh vật này rất khó có khả năng có được các hành vi giống người, nhưng theo ông, cũng có thể chúng sẽ không có hành vi tương tự một loài gặm nhấm bình thường.
 
“Cho nên ở đây ta có các vấn đề về quyền động vật cũng như vấn đề đạo đức từ việc khiến một sinh vật nào đó bộc lộ tính người,” ông nói. “Hiển nhiên, nếu bất kỳ động vật nào sinh ra mà có khía cạnh ngoại hình, khuôn mặt, tứ chi, làn da, phản ánh chút gì của con người, thì dù rất đáng chú ý về mặt khoa học, tôi tin rằng mọi người sẽ cảm thấy rất đáng lo ngại”.
 
Còn theo Giáo sư De Los Angeles tới từ khoa Tâm thần học, ĐH Yale, các chimera khỉ-người, về lý thuyết, có thể cung cấp những cách thức mới để nghiên cứu các bệnh về thần kinh và tâm thần ở người.
 
“Về lý thuyết, đối với nghiên cứu những loại bệnh về não chẳng hạn, nếu mô hình linh trưởng không đủ tốt thì có thể giải quyết bằng cách tạo ra các chimera khỉ-người,” ông trả lời tờ The Guardian và nói thêm rằng đã có hơn 150 thử nghiệm thất bại với bệnh Alzheimer trong 20 năm qua mà nguyên nhân có thể là do thiếu một mô hình bệnh tốt.
 
Một cách tiếp cận khả thi cho nghiên cứu não bộ là phôi khỉ có thể được biến đổi gene và sau đó được tiêm tế bào gốc của người để cho một phần của não, ví dụ như vùng đồi hải mã, sẽ chỉ bao gồm các tế bào người.
 
“Nếu ta chỉ đổi vùng đồi hải mã thôi thì điều đó không có nghĩa là ta sẽ có bộ não người hoạt động được,” GS. Lovell-Badge phản bác. “Có thể não sẽ có những ký ức tốt hơn một chút, hoặc những ký ức khác đi một chút, nhưng ở đây chúng không có được một vỏ não như người, vốn là điều thực sự làm cho chúng ta trở thành con người”.
 
Nhưng những đề xuất như vậy đi thẳng vào mệnh đề đạo đức mà từ trước tới nay nhiều người đang cố gắng né tránh: Đó là khả năng tế bào người xuất hiện trong não khỉ, một biến đổi mà một số người lo sợ có thể tạo ra các sinh vật giống người. Các nhà nghiên cứu trước đó cũng cho biết họ đã có thể ngăn chặn các tế bào của con người xuất hiện trong não hay cơ quan sinh dục của các chimera.
 
 (theo KH&PT)

.