Greenland - hòn đảo khổng lồ "đáng sợ"

06:03, 15/03/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Nếu người Trung Quốc thường tự hào vì có Vạn Lý Trường Thành, hay người Pháp hãnh diện vì có tháp Epphen thì người Đan Mạch cũng tự hào với đảo Greenland – một hòn đảo không chỉ lớn về diện tích mà còn quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp và giá trị lịch sử. Tuy nhiên hòn đảo này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tan chảy do khí hậu Trái đất ấm lên.

Đảo Greenland thuộc Bắc Đại Tây Dương, có diện tích là 2.175.600 km2, rộng gấp hown 6 lần diện tích nước ta và được xem là hòn đảo lớn nhất trên thế giới. Xấp xỉ 85% dân cư trên đảo là người Inuit, còn lại là người Đan Mạch và người gốc Kavbaz (Capcase). 

Phía bắc của đảo Greenland giáp với Bắc Băng Dương, phía đông giáp với biển Greenland, phía nam giáp với Đại Tây Dương và phía tây giáp với eo biển Davis và vịnh Baffin. Thủ phủ của đảo chính là Nuuk. 

Điều đặc biệt, đảo Greenland có địa hình và khí hậu rất khắc nghiệt khiến cho việc đi lại trên vùng biển quanh đảo rất nguy hiểm (ngoại trừ vùng duyên hải rộng khoảng 410.450 km2). Bề mặt của đảo thường phủ một lớp băng vĩnh cửu và sông băng. Ở một số nơi, lớp băng dày tới 4.300m. 

Thời tiết trên đảo không ổn định, nhiều sương mù. Dòng hải lưu chạy dọc sườn đông của đảo xuống phía nam cuốn theo những tảng băng lừng lững trôi, khiến cho việc đi lại trên vùng biển quanh đảo rất nguy hiểm. 

Ngoài ra, đảo Greenland không có rừng. Thực vật trên đảo đều là những loài cây vô cùng thấp như rêu, địa y, cỏ và lách. Động vật chủ yếu là gấu trắng, bò xạ, sói Bắc cực, thỏ rừng, tuần lộc. 

Tuy nhiên, với xu hướng biến đổi khí hậu hiện nay, các nhà khoa học cho rằng: Với kích thước chỉ đứng sau Nam Cực, thảm băng ở Greenland khi tan ra sẽ là một đại thảm họa. Trong khoảng thời gian 1.000 năm, mực nước biển sẽ dâng lên 7m, đồng nghĩa với một số vùng trên thế giới sẽ chìm sâu dưới đáy biển. Hơn nữa, một khi hiện tượng này đã xảy ra, không một ai có đủ quyền năng để đảo ngược tình thế.

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình máy tính tinh vi để dự báo xem những gì sẽ xảy ra đối với thảm băng tại các mức thải CO2 khác nhau. CO2 là sản phẩm thoát ra từ việc đốt các loại năng lượng hóa thạch, một trong những nhân tố khiến cho khí hậu toàn cầu ấm lên. 

Trước khi thế giới bước vào công cuộc công nghiệp hóa, khí quyển chứa 280 phần triệu CO2. Hiện nay, con số này đã lên tới 370. Mô hình máy tính được thử nghiệm với các bối cảnh khác nhau, trong đó mức CO2 cũng biến động theo các mức 450, 550, 650, 750 và 1.000. Kết quả thu được không lấy gì làm sáng sủa: Theo phần lớn các "phương trình" mà máy tính thực hiện, đến năm 2100, Greenland sẽ ấm lên khoảng 3oC, khiến cho lượng băng tan ra nhiều hơn lượng tuyết rơi xuống.

Cuộc nghiên cứu còn cho thấy rằng, chỉ đến năm 2050 thôi, mức CO2 trong khí quyển cũng sẽ cao hơn mức thấp nhất thử nghiệm trên mô hình máy tính (450), và CO2 có tên trong sáu loại khí nhà kính chủ yếu.

Ngay cả khi mức CO2 và nhiệt độ toàn cầu được đưa trở lại ngang bằng với thời điểm trước khi xảy ra công nghiệp hóa, thảm băng cũng không thể nào khôi phục được nữa, bởi vì đất đai Greenland đã ấm lên.

Hiện nay, thoả ước duy nhất trên thế giới về cắt giảm khí nhà kính là Nghị định thư Kyoto của Liên Hiiệp Quốc, yêu cầu các nước công nghiệp phải tham gia cắt giảm thải khí nhà kính trong khung thời gian 2008-2012. Tuy nhiên, Nghị định thư này không được sự đồng thuận của cả thế giới.

 

10 hòn đảo lớn nhất thế giới

1. Greenland, Bắc Đại Tây Dương (Đan Mạch) 2.175.600 km2. 

2. New Guinea, Tây Nam Thái Bình Dương (Indonesia, Papua New Guinea) 808.510 km2. 

3. Borneo, Tây Thái Bình Dương (Indonesia, Brunei và Malaysia) 751.100 km2. 

4. Nước CH Madagascar, Ấn Độ Dương 587.041 km2. 

5. Baffin, Bắc Đại Tây Dương (Canada) 507.451 km2. 

6. Sumatra, Đông Bắc Ấn Độ Dương (Indonesia) 473.605 km2. 

7. Honshu, Thái Bình Dương, (Nhật Bản) 230.455 km2. 

8. Anh quốc 229.870 km2. 

9. Ellesmere, Bắc Băng Dương (Canada) 212.688 km2. 

10. Victoria, Bắc Băng Dương (Canada) 212.199 km2. 

Hiệp Thịnh

 


.