Vi mạch VN được định giá 290 tỉ đồng

08:06, 07/06/2017
.

 


Đây là giá trị sở hữu trí tuệ đối với các nhóm sản phẩm vi mạch và ứng dụng của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ĐHQG TP.HCM)  công bố sáng 7-6 tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

 

Nghiên cứu chế tạo vi mạch tại ICDREC - Ảnh: Hồng Thúy
Nghiên cứu chế tạo vi mạch tại ICDREC - Ảnh: Hồng Thúy

 

Ông Ngô Đức Hoàng – giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) – cho biết giá trị sở hữu trí tuệ nói trên được định giá bởi Viện Đánh giá khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị được ICDREC ký hợp đồng thuê định giá đối với các nhóm sản phẩm của mình.

 
Nói về hiệu quả hoạt động, ông Hoàng nhấn mạnh ICDREC đã nhận được các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước (nguồn từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) là 213 tỉ đồng. Trong khoảng 5 năm qua, ICDREC mới thu được từ chuyển giao công nghệ là 68 tỉ đồng và 31 tỉ đồng từ sản xuất sản phẩm rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ của mình.
 
Phát biểu tại buổi công bố, phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận những kết quả đạt được của ICDREC, đồng thời lưu ý với các sản phẩm công nghệ, bản chất vẫn là thị trường, nên việc không thương mại hóa hoặc chậm thương mại hóa các sản phẩm đã làm ra là thất bại.
 
Một trong những đánh giá đối với những dòng sản phẩm của ICDREC, ông Hoàng nhìn nhận các lõi IP (trong nhóm các sản phẩm vi mạch đưa vào định giá) được thiết kế ở công nghệ thấp, chưa tạo ra được giá trị thương mại cao.
 
Ông Hoàng cho rằng điều này có thể được cải thiện nếu tập trung đầu tư chuyển đổi một số lõi IP đang có sẵn sang công nghệ SOTB mà theo ông đây là công nghệ giải quyết bài toán công suất thấp trong các ứng dụng IoT (Internet of Things – tạm dịch vạn vật kết nối).
 
QUỐC THANH/Tuổi trẻ

.