Hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã, phường: Vẫn còn hạn chế

03:11, 28/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở cấp xã, phường giúp nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Song, trên thực tế tại các xã, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa; hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc trang bị và ứng dụng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các phường, xã là điều kiện tiên quyết giúp tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Nói về sự thuận tiện của đơn vị khi được trang bị đồng bộ hạ tầng CNTT, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông (Bình Sơn) cho biết:

“Cơ quan hiện có tổng cộng 26 máy tính, trong đó có 22 máy để bàn, 4 máy tính xách tay và được kết nối mạng đầy đủ. Nhờ đó, quá trình giải quyết các thủ tục hành chính đã được thực hiện nhanh hơn và giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân. Đặc biệt là vào những ngày tiếp công dân định kỳ, thông qua máy tính kết nối mạng, cán bộ có thể nhanh chóng truy cập thông tin trên trang tin điện tử của UBND tỉnh cùng các cổng thông tin thành phần để trả lời một cách đầy đủ, chính xác cho người dân”.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các xã, phường; giúp cán bộ xử lý công việc nhanh và chính xác hơn.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các xã, phường; giúp cán bộ xử lý công việc nhanh và chính xác hơn.


Những mặt tích cực mà CNTT mang lại trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính, thể hiện rõ qua hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của người dân. Song, trên thực tế, vấn đề ứng dụng, đầu tư hạ tầng CNTT ở cấp xã vẫn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho cán bộ địa phương trong xử lý các thủ tục hành chính. Nhiều máy tính trang bị đã cũ, cấu hình thấp nên chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập internet, không thể cài thêm các phần mềm ứng dụng khác. Một số xã vì quá ít máy tính, nên nhiều cán bộ phải dùng chung một máy tính, khó khăn trong việc quản lý dữ liệu cũng như xử lý công việc.

Tại xã Bình Chương (Bình Sơn), khối đảng ủy, ủy ban và mặt trận, đoàn thể của xã có tổng cộng chưa đến 10 máy tính. Trong đó, khối đảng ủy chỉ có 2 máy, còn khối mặt trận, đoàn thể phải dùng chung một máy tính. “Nhiều cán bộ phải dùng chung một máy tính, nên khó khăn trong việc quản lý dữ liệu, cũng như xử lý công việc của địa phương. Nhất là khi hiện nay, việc quản lý danh sách hộ nghèo, hộ tịch, ngân sách, kế toán... đều cần đến những ứng dụng chuyên ngành”, ông Phạm Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Chương cho biết.

"Mặc dù hạ tầng CNTT của tỉnh nhìn chung đã tăng lên mức khá so với cả nước, nhưng đối với cấp xã, hạ tầng vẫn còn yếu, không đáp ứng được nhiều cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mở rộng từ tỉnh xuống huyện, xã. Đa số xã, phường vẫn chưa có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tác nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Huy Hoàng - Trưởng Phòng CNTT, Sở TT&TT nhận định.

Cũng theo ông Hoàng, một trong những mục tiêu ứng dụng CNTT của tỉnh đến năm 2020 là phải triển khai và ứng dụng mô hình một cửa điện tử hiện đại cho 100% địa phương cấp huyện, phấn đấu triển khai liên thông đến 40% cấp xã và ứng dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử trong 80% cơ quan nhà nước cấp xã. Muốn làm được điều đó, ngay từ bây giờ, các ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ để thúc đẩy ứng dụng CNTT ở cấp xã, phường.


Bài, ảnh: Ý THU



 


.