"Chân đất" sáng tạo vì... nghề nông

02:01, 03/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghiên cứu, sáng tạo máy suốt lúa có gắn động cơ phục vụ cho đồng bào vùng cao thu hoạch lúa; hay đầu tư đưa cơ giới vào đồng ruộng; sáng chế máy sấy khô nông sản... Đó là những thành quả của các "nhà sáng chế chân đất” đã kỳ công nghiên cứu, sáng tạo xuất phát từ nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp...

TIN LIÊN QUAN

Mang máy tuốt lúa lên đồi

“Người dân 6 huyện vùng cao trong tỉnh và các xã miền núi tỉnh Quảng Nam, các địa phương có ruộng bậc thang rất ưa chuộng máy suốt lúa có gắn động cơ này. Bởi vì máy gọn nhẹ, tiện lợi, dễ di chuyển, phù hợp sử dụng trên các chân ruộng gò, diện tích nhỏ...”, lão nông Huỳnh Minh Thi, thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm máy suốt lúa của mình.

Máy suốt lúa có gắn động cơ của ông “Thi Nghĩa Trung” phù hợp, tiện lợi cho người dân vùng cao thu hoạch lúa.
Máy suốt lúa có gắn động cơ của ông “Thi Nghĩa Trung” phù hợp, tiện lợi cho người dân vùng cao thu hoạch lúa.


Ông Thi kể, từ công việc làm nông của gia đình, ông suy nghĩ làm thế nào để người dân thu hoạch lúa bớt tốn nhân công và thời gian như khi dùng máy suốt lúa thủ công của giai đoạn trước năm 2000. Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, ông Thi sáng tạo máy suốt lúa có gắn động cơ chạy bằng xăng. So với máy đạp bằng chân, máy gắn động cơ giúp người dân thu hoạch nhanh, hiệu quả, ít tốn nhân công và thời gian hơn trước kia. Nhiều người nhận thấy sự tiện lợi của máy suốt lúa có gắn động cơ, nên chẳng bao lâu máy suốt lúa có gắn động cơ của "ông Thi Nghĩa Trung” có mặt khắp các đồng ruộng trong và ngoài tỉnh.

Những năm gần đây, trung bình cơ sở của ông Thi hiện sản xuất khoảng 300 máy/năm, với giá bán khoảng 2,4 triệu đồng/máy. Lúc cao điểm mùa vụ, cơ sở của ông Thi tạo việc làm cho 10 lao động, còn bình thường ở xưởng luôn có 3 - 4 nhân công làm việc.

Thành công trong công việc, nhiều lần đạt thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, ông Thi còn là “thuyền trưởng” vững vàng, trụ cột của gia đình. Những người con của ông Thi đều ăn học đàng hoàng, công việc ổn định. Bản thân ông Thi là người có uy tín, năng nổ đóng góp các phong trào, hoạt động ở địa phương. Gia đình ông Thi từng vinh dự được Bộ VH-TT&DL vinh danh là "Gia đình văn hóa tiêu biểu cấp Trung ương".
 

Phát huy tiềm năng sáng tạo trong nông dân.

Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh có 76.989 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian đến, Hội Nông dân tỉnh tích cực tuyên truyền các huyện, xã phát huy tiềm năng sáng tạo trong nông dân. Những sản phẩm chất lượng cao sẽ được hướng dẫn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời liên kết với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, nhằm hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất, sáng tạo.

Đưa cơ giới hóa vào ruộng đồng

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ông Nguyễn Đến ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) luôn trăn trở phải vươn lên trên chính mảnh đất, khu vườn do ông bà để lại. Nhưng để đạt năng suất, hiệu quả cao thì cần phải có phương tiện sản xuất hỗ trợ cho công việc nhà nông. Từ đó, ông Đến suy nghĩ chỉ có cơ giới hóa mới đảm bảo kịp thời vụ và giảm bớt chi phí nhân công. Bởi khi mùa vụ đến, rất khó để thuê nhân công.

Năm 2000, ông Đến tích cóp đầu tư mua máy băm ruộng. Khi ấy, so với phương thức canh tác thủ công phụ thuộc nhiều vào nhân công và thời tiết thì máy băm ruộng giúp làm đất nhanh, hiệu quả, chủ động. Tính đến nay, ông Đến đã đầu tư mua ba máy cày đất cùng máy gặt đập liên hợp thu hoạch được cả lúa ngã đổ.

Điều đáng quý, đó là từ việc chủ động đầu tư đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để phục vụ sản xuất cho gia đình đã giúp các hộ làm nông khác sản xuất, thu hoạch nông sản hiệu quả, tiết kiệm chi phí thuê nhân công trong thời buổi thiếu lao động. Ông Nguyễn Đến còn là xóm trưởng khu dân cư số 13, thôn Xuân Vinh, luôn gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Ông là nông dân điển hình tiêu biểu của huyện Nghĩa Hành.

"Ông ý tưởng” ở Phú Bình Đông

Qua nhiều năm nghiên cứu, cải tiến, ông Trần Minh Công ở thôn Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đã sản xuất máy sấy khô nông sản bằng inox 304 gọn nhẹ, có độ bền, chịu nhiệt cao, hiệu quả tốt, được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Ông Công cho hay, những năm qua, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã giúp giải phóng sức lao động của nông dân. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch nông sản, nhất là lúa gặp thời tiết bất lợi rất khó để phơi khô, làm ảnh hưởng đến chất lượng. Từ xưởng mộc nhỏ tại nhà, cùng với việc tìm tòi, nghiên cứu, tham quan các nơi, cách đây hai năm, ông Công cải tiến sản xuất máy sấy khô nông sản phù hợp với sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Không chỉ sấy lúa, máy sấy khô của ông Công còn có thể sấy các loại đậu, bắp, mì thái lát... Theo ông Công, sử dụng máy sấy khô vừa không tốn nhiều diện tích và nhân công, lại làm khô được số lượng lớn nông sản so với phơi thủ công tốn nhiều thời gian lại hao hụt nông sản.

Sau máy sấy khô nông sản, ông Công đang cặm cụi sản xuất “bàn đa năng”. Vừa có thể cắt ván, cắt mộng, hạ đánh hàm ếch... phục vụ cho các công đoạn của nghề mộc. Tất bật với công việc của nhà nông và xưởng mộc, nhưng ông Công vẫn đảm đương tốt vai trò Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Chợ Chùa.

 

BẢO HOÀ

 


.