Phục hồi hầm biogas bị hỏng bằng nhựa composite

09:12, 10/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để giảm tổn thất kinh tế cho người dân khi hầm biogas xây bằng gạch đã bị hỏng, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đã thực hiện giải pháp kỹ thuật sử dụng nhựa composite để phục hồi và tái sử dụng lại loại hầm này. Giải pháp đã giúp tiết kiệm 50% chi phí, so với xây lại hầm mới.

TIN LIÊN QUAN

Việc xây dựng hầm biogas bằng gạch để chứa phân chuồng và nước thải, tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt gia đình, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã được người dân ở các địa phương trong tỉnh ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhiều hầm có hiện tượng lượng khí gas sinh ra yếu không đủ sử dụng, khí gas rò rỉ bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và ô nhiễm môi trường.

Theo anh Dũng, nguyên nhân các hầm biogas bị hỏng là do chất liệu xi măng và gạch tiếp xúc lâu ngày với chất thải chăn nuôi nên bị axit ăn mòn, nên ở những nơi có nền đất yếu dễ bị lún làm hầm rạn nứt, dẫn đến rò rỉ gas. Hầm biogas xây theo mô hình chung thường có nhược điểm không tự đẩy bã đã phân huỷ ra khỏi hầm, nên khi chất bã đầy làm cho hầm hoạt động kém hiệu quả, lượng khí gas sinh ra thấp. Trước đây, để xử lý tình trạng này, bà con tự dọn hoặc thuê xe hút, thế nhưng lại không nắm bắt được kỹ thuật nên làm cho hầm hư hỏng nhanh.

 

Hầm biogas xây bằng gạch đã bị hỏng của ông Lê Ngọc Ẩn ở xã Nghĩa Hiệp đang được phục hồi.
Hầm biogas xây bằng gạch đã bị hỏng của ông Lê Ngọc Ẩn ở xã Nghĩa Hiệp đang được phục hồi.


Giải pháp sử dụng nhựa composite để phục hồi và tái sử dụng hầm biogas xây bằng gạch đã bị hỏng của anh Dũng được thực hiện theo quy trình như sau: Dùng máy bơm nước xăm sâu vào đáy hầm chính ở cổng phân vào và cổng ra hầm điều áp để bã nổi lên; dùng máy bơm bơm hơi vào hầm chính để ép bã và nước trôi ra. Sau 1,5 – 2 giờ hầm sạch hoàn toàn, tiến hành dùng máy bơm hơi vào hầm biogas để kiểm tra mức độ rò rỉ và biết mức độ hoạt động của hầm. Sau đó đào xung quanh hầm đến độ sâu ngang đáy bồn điều áp; rửa hầm sạch sẽ, để khô ráo; dùng nhựa và bột đá trộn đều và cho thêm một ít chất xúc tác (chất làm cứng) đảo đều, dùng bay trét bột vào những chỗ bị rỉ và để khô 30 phút, rồi lấy giấy nhám mài một lần nữa để vết trít được liền phẳng.

 Tiếp đến dùng nhựa pha với chất xúc tác, dùng con lăn lăn thật đều vật liệu composite lên mặt hầm từ ngang ống vào và ống ra trở lên mặt nắp hầm chính và trải một lớp sợi thuỷ tinh 300 rồi lăn nhựa lên thấm ướt đều. Sau 4 giờ để vật liệu đông cứng, dùng máy bơm hơi bơm vào hầm đến khi đồng hồ đo áp báo trên 10 là đạt yêu cầu về áp suất. Dùng xà phòng xoa đều lên mặt hầm đã phủ để kiểm tra lại. Sau đó lấp đất phủ hầm lại.

Sau khi phủ lớp nhựa composite lên hầm biogas bị hỏng, khi đóng van dẫn gas hoặc bơm nước vào sử dụng phải theo thời gian quy định như sau: Nếu hầm xây bằng xi măng phải sau 20 giờ mới được sử dụng, còn nếu sử dụng hầm nhựa composite thì sau 6 giờ mới đóng van dẫn gas để đưa gas vào sử dụng. Trước khi bơm nước vào hầm mới phục hồi, phải mở khoá van dẫn gas để tránh áp suất tăng lên trong hầm khi vật liệu chưa khô cứng, dễ gây rạn nứt hầm. Đây cũng là lỗi bà con dễ mắc phải lúc mới xây hầm và cũng là nguyên nhân chính gây rò rỉ khí gas, anh Dũng khuyến cáo.

Sử dụng phương pháp này, bà con tiết kiệm được 50% chi phí so với xây hầm mới. Đến nay, giải pháp của anh Dũng đã được ứng dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh như Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn... Theo nhận xét của các hộ dân có hầm được phục hồi, giải pháp của anh Dũng đã giải quyết triệt để mùi hôi, lượng gas thu được nhiều gấp 2 lần so lúc ban đầu mới xây.

Với hiệu quả mang lại, giải pháp của anh được vinh danh tại Hội thi STKT tỉnh lần 8 (2012-2013).

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 


.