Thiết bị thu tín hiệu truyền hình: Loạn "chảo lậu"

07:11, 26/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mua bán và lắp đặt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số vệ tinh đang sôi động. Tuy nhiên, hầu hết người dân các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo trên địa bàn tỉnh lại sử dụng “chảo lậu” để thu tín hiệu truyền hình. Tình trạng loạn “chảo lậu” đang gây lãng phí tiền của không ít người dân.

Miễn phí và miễn dùng

Muốn thu tín hiệu truyền hình qua vệ tinh, người tiêu dùng có thể sử dụng bộ “chảo” parabol, kèm theo bộ giải mã của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Thế nhưng, hầu như tại các địa phương trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng xa, hẻo lánh... ở đâu cũng có nơi bán hoặc dịch vụ lắp đặt “chảo lậu”. Một bộ “chảo lậu” hiện bán trên thị trường chỉ từ 250 - 550 ngàn đồng và không phải đóng phí hàng tháng. Còn nếu như muốn mua thiết bị thu tín hiệu truyền hình “xịn”, thì người dân phải đầu tư ít nhất gần 1 triệu đồng, kèm theo tiền phí hàng tháng khoảng 100 ngàn đồng nữa. Do vậy, thời gian qua nhiều nhà lắp đặt thiết bị này. Càng về nông thôn, miền núi, hải đảo thì mật độ lắp “chảo lậu” càng cao.

 

Nhiều gia đình ở huyện miền núi Tây Trà sử dụng “chảo lậu” để thu tín hiệu truyền hình.
Nhiều gia đình ở huyện miền núi Tây Trà sử dụng “chảo lậu” để thu tín hiệu truyền hình.


Cách đây khoảng 3 năm, được xem truyền hình là ước mơ cháy bỏng của gia đình anh Hồ Văn Thanh ở thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng). Bởi số lượng kênh truyền hình  thông thường rất ít và tín hiệu chập chờn. Sau khi mua được bộ “chảo" thu tín hiệu truyền hình, gia đình anh đã được xem ti vi thỏa thích. “Giá của bộ “chảo” chỉ 500 ngàn đồng, lại không đóng phí hằng tháng, mà được xem hơn 20 kênh ti vi.

Thế là sướng rồi!”. Nhưng anh Thanh thừa nhận, nhiều lúc ti vi nhà anh xảy ra hiện tượng “đứng hình”, tín hiệu thu lúc có, lúc không. Vậy mà trường hợp của anh Thanh cũng được xem là “may mắn”, khi nhiều người dân mua phải “chảo lậu”, dùng được vài tuần là miễn dùng luôn. Anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Phước Đức, xã Đức Phú (Mộ Đức), ngán ngẩm: “Gia đình tôi mua bộ “chảo” về xài được mấy tuần thì tín hiệu lem nhem. Mấy ngày đầu còn được hơn 40 kênh, sau chỉ còn mười mấy kênh và hiện chỉ còn... vài kênh. Bây giờ xem ti vi như “nuốt” cục tức vào người”.

Theo nhiều kỹ thuật viên, hầu hết các thiết bị trên thị trường đều là hàng trôi nổi. Nhiều cửa hàng kinh doanh “chảo” parabol, bộ giải mã phần lớn là hàng của Trung Quốc, Đài Loan. Hơn nữa, những người lắp đặt cũng không am hiểu chuyên môn, phần lớn là tay ngang nên khi lắp đặt độ chính xác không cao, chất lượng âm thanh, hình ảnh không chuẩn.


Trách nhiệm bằng không.

Thực trạng mua bán thiết bị thu tín hiệu truyền hình hiện nay cho thấy, thị trường “chảo lậu” có nhiều đất sống. Thế nhưng, với các loại “chảo” trôi nổi, thì trách nhiệm của các cửa hàng kinh doanh dường như bằng không. Bởi lẽ, khi xảy ra các sự cố như mất tín hiệu, kênh ít dần... thì người dân cũng đành chịu. Anh Lê Thanh Minh ở thôn Đạm Thủy Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức), cho biết: “Khi mua “chảo” thu, chủ cửa hàng cam kết tín hiệu đẹp, xem nhiều kênh ti vi hấp dẫn. Đến khi có sự cố xảy ra, tôi đem “chảo” đến để cửa hàng bảo trì thì nhận được cái nhìn lạnh tanh, kèm lời giải thích: “Tại thời tiết”. Mình cũng đành chịu vì “tiền trao, cháo múc”. Giấy tờ bảo hành không có, biết sao đây”.

Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khiến người dân các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh chưa thể tiếp cận được các dịch vụ truyền hình hiện đại, chất lượng. Do đó, lựa chọn các “chảo lậu” để thỏa mãn sở thích xem truyền hình của người dân là điều có thể thông cảm. Hơn nữa, với những hạn chế hiểu biết về công nghệ, khi lắp đặt thiết bị này, người dân nghĩ rằng họ đang đầu tư cho một dịch vụ truyền hình hiện đại, hiệu quả và đúng đắn. Nhưng trên thực tế, không có một cơ sở pháp lý nào đảm bảo quyền lợi của họ. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần giúp người dân nhận thức và hiểu đúng, đầu tư hợp lý, hợp pháp và hợp với điều kiện kinh tế của người dân các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.