Tăng hiệu suất thu hồi đường: Giải pháp làm lợi hàng chục tỷ đồng

08:11, 07/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ thu hồi ngoài và tháp ngưng tụ do nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên - Công ty CP Đường Quảng Ngãi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đã làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng/năm.

TIN LIÊN QUAN

Thiết bị bốc hơi, nấu đường ở Nhà máy Đường An Khê được đưa vào sử dụng nhưng chưa được lắp bộ thu hồi ngoài, do đó hàm lượng đường trong hơi bốc gây nhiễm đường nước Baromet tạo chân không. Cấp nhiễm đường này thường lớn hơn cấp 9, gây tổn thất đường và ô nhiễm nguồn nước Baromet dùng để tạo chân không, làm cho độ pH của nguồn nước Baromet thấp, gây ăn mòn thiết bị và cần phải tốn lượng vôi lớn để trung hoà nguồn nước này.

 

Bộ thu hồi ngoài và tháp ngưng tụ do nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên, Công ty CP Đường thiết kế và chế tạo.
Bộ thu hồi ngoài và tháp ngưng tụ do nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên, Công ty CP Đường thiết kế và chế tạo.


Bên cạnh đó, lưu lượng nước sử dụng cho các tháp ngưng tụ để tạo chân không cho các hệ thống bốc hơi và các nồi nấu đường chiếm 70-80% tổng lượng nước của toàn nhà máy đã gây áp lực thiếu nước vào mùa khô hạn. Do đó, để nâng cao hiệu suất thu hồi trong chế biến, tránh thất thoát đường bốc hơi ra môi trường, giảm ô nhiễm, nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt bộ thu hồi ngoài và tháp ngưng tụ để tăng hiệu suất thu hồi đường.

Bộ thu hồi ngoài kiểu polybaffle gồm nhiều tấm zig-zag tạo với nhau một góc 900 và được xếp cách nhau với khe hở từ 30-50mm và được chế tạo bằng thép không rỉ. Với kết cấu này, những dung dịch đường có kích thước rất nhỏ 5-10 micromet bay theo hơi ở thiết bị bốc hơi và nấu đường sẽ được giữ lại ở bộ thu hồi và được thu hồi lại. Các tấm này được lắp đặt trung gian giữa thiết bị bốc hơi (nồi nấu đường) và tháp ngưng tụ.

Riêng tháp ngưng tụ với kết cấu đặc biệt khác biệt với các vòi phun jet kiểu cũ nên nước cấp vào chỉ cần áp lực khoảng 0,2-0,5 kg/cm2, tiết kiệm được 1/3 lượng nước so với kiểu tháp thiết kế trước đây (phải cần áp lực nước cấp lại đầu phun 1,5-2 kg/cm2). Tháp có thể tự động hoá 100% bằng cách điều khiển bằng van tự động cấp nước vào tháp theo giá trị chân không đo được của tháp, kỹ sư Trần Quang Kiên cho biết.

Đến nay, giải pháp đã được lắp đặt tại Nhà máy Đường Phổ Phong và Nhà máy Đường An Khê, đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho Công ty.

Qua tính toán, khi chưa lắp đặt bộ thu hồi, lượng đường thất thoát theo nước Baromet trong 1 giờ là 1.680kg đường và khi đã được lắp đặt thì lượng đường thất thoát chỉ còn 84kg đường/giờ. Như vậy, trong 1 giờ, bộ thu hồi đường đã thu hồi lại được 1.596kg đường. Với sản lượng trong niên vụ 2012-2013 của Nhà máy Đường An Khê là 800 nghìn tấn, giá trị làm lợi từ bộ thu hồi ngoài kiểu Polybafle của nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên khoảng hơn 45 tỷ đồng.

Ngoài ra, giải pháp còn giảm chi phí xử lý môi trường nước. Nhờ bộ thu hồi đường nên cấp nhiễm đường giảm từ cấp 8-9 xuống còn cấp 1-2 nên không cần phải xử lý nguồn nước này trước khi thải ra môi trường. Chi phí xử lý nước thải khoảng 12 tỷ đồng/vụ ép.   

Như vậy, tổng giá trị làm lợi hằng năm từ bộ thu hồi ngoài và các tháp ngưng tụ Baromet của nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên là 82,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ chấm thi lĩnh vực Cơ khí tự động hoá, Hội thi STKT tỉnh lần 8 (2012-2013) cho biết: “Giải pháp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt bộ thu hồi ngoài và tháp ngưng tụ để tăng hiệu suất thu hồi đường” của nhóm kỹ sư Trần Quang Kiên được đánh giá cao, về hiệu quả kinh tế và cả hiệu quả về môi trường. Giải pháp này nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho ngành sản xuất đường, tiết kiệm tài nguyên nước và góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong ngành mía đường hiện nay.

Với hiệu quả mang lại, giải pháp của nhóm tác giả Trần Quang Kiên đã đạt giải Nhất Hội thi STKT tỉnh Quảng Ngãi lần 8 (2012-2013).


Bài, ảnh: Phương Dung

 


.