Đức Phổ- Nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas

09:12, 13/12/2012
.

(QNg)- Đến nay, huyện Đức Phổ có khoảng 300 hầm biogas được xây dựng và phát huy hiệu quả thiết thực. Mô hình này hiện đang được Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

TIN LIÊN QUAN


Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas được triển khai ở huyện Đức Phổ từ năm 2008. Các hộ tham gia được hỗ trợ 2 triệu đồng/công trình, được hướng dẫn lựa chọn kiểu, cỡ công trình, bố trí mặt bằng xây dựng, lựa chọn vật liệu, thiết bị sử dụng hầm biogas phù hợp với điều kiện kinh tế và kế hoạch phát triển chăn nuôi của gia đình. Đồng thời, được kỹ thuật viên hướng dẫn cách nạp nguyên liệu, vận hành, bảo dưỡng công trình và các thiết bị sử dụng. Những hộ được lựa chọn là những hộ chăn nuôi ổn định theo quy mô vừa và nhỏ, với nguồn phân thải tập trung tại chuồng ít nhất 20 kg/ngày. Hầm biogas được xây dựng có nắp cố định hình vòm cầu, gồm có: Bể nạp, bể điều áp và bể phân giải.

Hầm Biogas được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ xây dựng ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ).
Hầm Biogas được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ xây dựng ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ).


Sau thời gian xây dựng và đưa vào sử dụng, hầm biogas tại các hộ dân đã đem lại hiệu quả thiết thực, không những giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, mà còn cung cấp nguồn khí đốt dồi dào cho hộ dân sử dụng, tiết kiệm chi phí cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Ân, tổ dân phố 4, thị trấn Đức Phổ cho biết: Từ khi sử dụng hầm biogas, gia đình đã xử lý triệt để được nguồn chất thải từ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi được đảm bảo nên gia đình tôi yên tâm phát triển đàn heo từ 10 con lên 40 con. Thu nhập từ đàn heo đã đem lại cho gia đình tôi hơn 40 triệu đồng/năm. Với lượng chất thải của 40 con heo, khí gas sinh ra không chỉ đủ cho gia đình tôi dùng để sinh hoạt hàng ngày mà còn chia sẻ cho bà con xung quanh dùng nữa.

Từ lợi ích mang lại, mô hình đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 300 hầm biogas được xây dựng. Trong đó, xã có nhiều hầm biogas được xây dựng là Phổ Phong, Phổ Khánh, Phổ Thuận với khoảng 80 hầm.

Riêng Phổ Nhơn là xã miền núi của huyện Đức Phổ nên điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, do đó trước đây khi nói đến mô hình hầm khí sinh học, phần lớn người dân ít quan tâm đến, vì chưa hiểu tác dụng và hiệu quả của hầm khí sinh học. Từ khi được tham quan các mô hình khí sinh học trong và ngoài huyện, được tham gia các lớp tập huấn,… nhận thức của người dân được nâng lên, bà con mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng hầm biogas.

Đến nay, xã Phổ Nhơn có khoảng 40 hầm biogas được xây dựng và đã phát huy hiệu quả thiết thực. Không chỉ những hộ chăn nuôi heo mới đầu tư xây dựng hầm mà gần đây cả những hộ chăn nuôi bò ở xã cũng bắt đầu quan tâm đầu tư vào mô hình này. Ông Phạm Ngọc Tuấn, thôn An Điền, xã Phổ Nhơn cho biết: Gia đình tôi là hộ nuôi bò trong xã đầu tiên xây dựng hầm biogas. Mới đầu tôi cũng như nhiều bà con ở đây chưa biết gì vì công nghệ này cũng như các lợi ích của nó, nhưng sau khi sử dụng tôi thấy thật diệu kỳ. Sử dụng hầm biogas không chỉ giảm được mùi hôi từ chất thải chăn nuôi mà còn tiết kiệm khoảng 300 nghìn đồng/tháng chi phí thắp sáng và chất đốt cho gia đình.   

Việc xây dựng hầm biogas đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn nhờ nguồn năng lượng sạch và phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Giang Nam - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia súc ở huyện Đức Phổ phát triển mạnh. Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện có khoảng 54 nghìn con nên chất thải chăn nuôi khá lớn, do đó, nhu cầu xây dựng hầm biogas của người dân ngày càng tăng. Trong năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện triển khai xây dựng khoảng 60 hầm (vượt kế hoạch 20 hầm)...

Có thể nói rằng, phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi đang là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nâng cao công tác bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là các vùng đông dân cư, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội, với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.           


Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 


.