Trồng sa nhân tím dưới tán rừng mang lại lợi kép

10:10, 03/10/2011
.

(QNg)- Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài "Nghiên cứu gây trồng cây sa nhân tím trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Ngãi" do Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ thực hiện đã đem lại kết quả khả quan, góp phần tăng thu nhập cho người dân miền núi. 

Sa nhân tím (Amomum longiligulare T.L. Wu), họ gừng (Zingiberaceae) là một trong những cây thuốc quý, chuyên trị các bệnh về đường ruột. Ngoài ra, nó còn được sử dụng nhiều trong công nghiệp thực phẩm (gia vị), mỹ phẩm… Nhiều năm qua, tại 6 huyện miền núi của tỉnh, sa nhân phân bố dưới tán rừng tự nhiên và được người dân tìm kiếm, thu hái, nhưng lại không nắm được các kỹ thuật về nhân giống, trồng, thu hoạch, bảo quản nên cây sa nhân ngày càng giảm cả về diện tích và chất lượng.
 
Sau 18 tháng trồng dưới tán rừng thứ sinh, sa nhân tím ở xã Ba Trang, huyện ba Tơ đã cho quả.
Sau 18 tháng trồng dưới tán rừng thứ sinh, sa nhân tím ở xã Ba Trang, huyện ba Tơ đã cho quả.

Trước thực trạng đó, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đã tiến hành trồng thử nghiệm cây sa nhân tím tại 2 xã Ba Cung và Ba Trang (Ba Tơ). Trồng dưới tán rừng thông (thuần loại 20 tuổi), tại hộ ông Lê Văn Ninh (xã Ba Cung) với số lượng 1.100 cây, trên diện tích 4.000m2 và dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh, tại hộ ông Phạm Văn Rót (tổ 2, làng Leo, thôn Kon Dốc, xã Ba Trang) với số lượng 1.100 cây, trên diện tích 4.000m2.

Sau 18 tháng, cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng thứ sinh tại hộ ông Phạm Văn Roóc, cây đã ra hoa và đậu quả, chiều cao cây từ 71,2-79,7cm, số cây/bụi là 9-9,7. Năng suất quả tươi khoảng 56,8-110,7kg/ha, quy ra quả khô khoảng 7,7-15kg/ha. Trong khi đó, tại hộ ông Lê Văn Ninh, cây sa nhân được trồng dưới tán rừng thông (thuần loại 20 tuổi) chậm phát triển hơn. Chiều cao cây từ 65,1-69,1cm, số cây/bụi là 6-6,5, chỉ có một số cây ra hoa rải rác.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương- chủ nhiệm đề tài cho biết: Để đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển của cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng ở huyện Ba Tơ, chúng tôi đã tiến hành 2 thí nghiệm về ảnh hưởng của mật độ trồng và ảnh hưởng của độ tán che. Ở dưới tán rừng tự nhiên, sau 18 tháng trồng cây đã cho quả bói, năng suất từ 60-120kg quả tươi/ha. Với mật độ trồng từ 3.500-4.000 cây/ha, năng suất đạt khoảng 100kg/ha, còn ở mật độ 2.500 cây/ha, năng suất chỉ đạt khoảng 80 kg/ha.

Dưới độ tàn che từ 0,5-0,7, cây sa nhân cho năng suất quả từ 70-80kg/ha. Qua đó cho thấy, trồng sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên, cây ra hoa và cho quả bói sớm hơn, có đến 80-90% số cây trồng đã ra hoa, còn ở rừng trồng chỉ mới có 10-20% cây ra quả. Như vậy, trồng sa nhân dưới tán rừng tự nhiên có điều kiện ẩm độ tốt hơn thì cây sẽ ra hoa sớm hơn. Tuy nhiên theo đặc tính sinh vật học của cây sa nhân là thường sau 24 tháng, có nơi 36 tháng cây mới ra quả bói, nhưng riêng ở Ba Tơ, sau 18 tháng trồng, cây đã cho quả. Điều này có thể nói rằng, việc phát triển cây bản địa - cây sa nhân bằng phương pháp kỹ thuật mới sẽ rút ngắn được thời gian trồng, thu hoạch tập trung hơn.

Kỹ thuật trồng cây sa nhân tím cũng rất dễ, không tốn công đầu tư chăm sóc. Cây được trồng vào đầu mùa mưa và kết thúc vào giữa mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11); chọn đất, đào hố với kích thước 30x30x30 cm, bón lót phân chuồng 5 kg/cây. Chú ý: Đào hố, bón lót và lấp hố trước khi trồng 1 tháng; mật độ trồng 2.500 cây/ha. Sau khi trồng 1-2 tháng thì trồng dặm, làm cỏ, vun gốc và bón phân vô cơ để giúp cây sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao.

Cây sa nhân tím có đặc điểm là phát triển nhanh, khoảng 2-3 năm thì nhảy lấp kín mặt đất, lấn át tất cả các cây dại khác. Thời gian cây ra quả từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch và ra liên tục, cứ cách 1 tuần quả chín là phải thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, khoảng vào năm thứ hai cây bắt đầu ra quả bói và đến năm thứ 3 trở đi cây ra quả rộ. Hiện nay, quả sa nhân tím được thu mua khoảng 10.000 đồng/kg quả tươi và 300.000-400.000 đồng/kg quả khô. Như vậy, chỉ tận dụng 1 ha đất dưới tán rừng, bà con đã có thể thu được 1,5 tấn quả tươi, bán được 15 triệu đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà cây sa nhân tím còn góp phần che phủ diện tích đất trống đồi trọc rất hiệu quả, hạn chế tình trạng xói mòn đất, nhờ hệ rễ cây sa nhân tím phát triển rất mạnh, ăn sâu vào đất,… ông Nguyễn Quốc Hải - kỹ sư Viện KHKT NN Duyên hải Nam Trung bộ cho biết.

Với kết quả nghiên cứu của đề tài, có thể thấy trồng sa nhân tím dưới tán rừng không những cải thiện được môi trường tự nhiên của đất; giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý sẵn có tại địa phương, từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững và ổn định cho ngành dược tỉnh nhà.

Anh Khuê

.