Phát triển công nghệ thông tin ở huyện đảo Lý Sơn: Còn nhiều thách thức

09:10, 03/10/2011
.

(QNg)- Những năm gần đây, mạng lưới công nghệ thông tin (CNTT) - internet tốc độ cao ở huyện đảo Lý Sơn đã và đang được đầu tư, phát triển, vừa giúp người dân ở đây "giải" được "cơn khát" về nhu cầu nắm bắt thông tin, vừa góp phần quan trọng vào công tác quản lý tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo…
 

Lick chuột là có… thế giới thông tin!

"Trước đây, khi CNTT chưa xuất hiện; các loại báo, tạp chí thì 3 ngày mới theo tàu đến cập cảng Lý Sơn, nên người dân huyện đảo luôn tiếp cận thông tin chậm gần 1 tuần so với đất liền. Nhưng giờ thì khác rồi, chỉ cần lick chuột là mọi tin tức, sự kiện nổi bật, nóng hổi đều xuất hiện ngay tức khắc" - chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, cán bộ Hội LHPN huyện Lý Sơn cho hay. Vừa bắt chuyện chị Ngọc vừa nhấp chuột vào địa chỉ các trang web của UBND tỉnh, Báo Quảng Ngãi... để xem các thông tin thời sự, chính trị vừa diễn ra trong tỉnh. 

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin, mà từ khi huyện Lý Sơn đầu tư lắp đặt hạ tầng CNTT với 100% các cơ quan của huyện được kết nối mạng LAN và internet, thì hiệu quả giải quyết công việc - nhất là các thủ tục hành chính đã được cải thiện hơn rất nhiều. Với đặc thù là một huyện đảo, nên trước kia việc trao đổi thông tin, thư từ, công văn... với đất liền chủ yếu thông qua những chuyến tàu, vừa mất thời gian, vừa gây tồn đọng công việc. Do đó khi đưa vào ứng dụng CNTT, thì những vấn đề này đã được giải tỏa. Đặc biệt trong lúc bão lũ, khi tàu thuyền không ra vào được giữa đất liền và đảo, thì chỉ cần nhấp "chuột", mọi thông tin đều được chuyển đến đúng địa chỉ theo yêu cầu.

Không riêng gì cán bộ đang làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, mà người dân Lý Sơn cũng chú ý hơn đến loại hình thông tin nhanh - internet. Tuy còn khiêm tốn về số lượng, nhưng nhiều điểm internet ở Lý Sơn đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong việc giải quyết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin cho người dân.

Đặc biệt nhiều gia đình còn lắp đặt hệ thống mạng ADSL, hay sử dụng D-Com 3G... để chủ động thời gian lướt web, mà không phải xếp hàng đợi cả ngày ở tiệm Internet. "Chúng tôi hiếm khi được tiếp cận với các loại báo, tạp chí, nên chỉ biết đọc tin tức thông qua việc truy cập internet. Nhờ internet chúng tôi luôn cập nhập kịp thời thông tin về giá cả các loại hàng hóa, nhất là giá hành, tỏi Lý Sơn trên thị trường" - anh Nguyễn Hiền (ở thôn Tây, xã An Hải) bộc bạch.

Ông Ngô Văn Nghĩa - Trưởng phòng VHTT huyện cho biết: Nhiều nông dân đã sáng kiến được nhiều cách làm hay, hoặc học hỏi được các biện pháp trồng và chăm sóc hành, tỏi sao cho giảm sâu bệnh, tăng năng suất... từ internet. Còn đội ngũ cán bộ, công chức thì được CNTT giúp sức, hỗ trợ rất nhiều, nhằm giảm áp lực, tăng hiệu quả giải quyết công việc, từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn.

Vẫn còn nhiều trắc trở

Không chỉ là món ăn tinh thần của người dân, là người bạn chia sẻ công việc với đội ngũ cán bộ, công chức, mà CNTT còn góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, cũng như đảm bảo thông tin liên lạc giữa Lý Sơn với đất liền - nhất là trong mùa mưa bão. Tuy nhiên hiện việc xây dựng và phát triển CNTT ở huyện đảo đang gặp nhiều thách thức, nhất là trở ngại về giao thông.

Tuy 13 huyện, thành phố của tỉnh đã xây dựng và lắp đặt thành công hệ thống đường truyền cáp quang, nhưng chỉ riêng Lý Sơn là chưa thể thực hiện được. Do đó hiện hạ tầng CNTT của huyện cũng chỉ sử dụng đường truyền của hệ thống băng thông rộng 622 Mega, Viba băng rộng SDH... nên chất lượng chưa được đảm bảo, trong khi chi phí lắp đặt lại khá cao. Mặt khác độ bền và tuổi thọ của các loại thiết bị này thường bị ảnh hưởng, bởi hiện tượng oxi hóa do nước biển gây ra, nên khi bước vào mùa mưa bão, chúng thường hư hỏng, gây ách tắc thông tin.

Mặc dù VNPT tỉnh đã đưa vào sử dụng thiết bị Sabre Inomasat - loại thiết bị hỗ trợ đặc biệt để duy trì thông tin khi hệ thống thông tin của huyện đảo bị tê liệt, nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, bởi nếu sức gió quá mạnh thì "vị cứu tinh" này cũng bị quật ngã!

Nói về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng CNTT cho huyện đảo Lý Sơn, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Trung tâm viễn thông huyện cho rằng: Để CNTT trở thành "liên lạc viên" đắc lực, thì trước mắt phải đảm bảo được nguồn điện ổn định, nguồn nhân lực có trình độ. Bởi lẽ, khi giao thông phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thì phát triển CNTT chính là giải pháp tốt nhất, nhằm chủ động cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin cho người dân, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền ở đảo tiền tiêu.

                  Bài, ảnh: M.H

.