Đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp: Nâng cao hiệu quả sản xuất

01:10, 03/10/2011
.

(QNg)- Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, ngành sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có mức thu nhập cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống cho nông dân…
 

Thông qua nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến nông quan trọng. Trong đó nổi bật là việc khảo nghiệm, đưa các loại giống lúa mới có năng suất cao (60 - 70 tạ/ha) vào sản xuất như giống Xi23, NX30, BM 9855, ĐH815-6, ĐH9981, Q5, QNT1, ĐB6, ML48, Nhị ưu 838, TH3-3, ĐB404… thay cho các giống cũ bị thoái hóa, năng suất chỉ 40-50 tạ/ha. Cùng với việc đưa giống tốt vào sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng các mô hình "3 giảm, 3 tăng", IPM, ICM,…  trong sản xuất lúa, nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nhà nông.
 
Đàn dê lai phát triển mạnh tại hộ Nguyễn Văn Tiến (xã Ba Động, Ba Tơ).
Đàn dê lai phát triển mạnh tại hộ Nguyễn Văn Tiến (xã Ba Động, Ba Tơ).

Bên cạnh đó, cơ cấu giống bắp, mì, mía và các loại cây trồng cạn khác của tỉnh đều tăng ở mức khá, theo kịp xu hướng phát triển chung của khu vực và cả nước. Các giống cây trồng trong cơ cấu sản xuất hầu hết là các giống cao sản, phù hợp với điều kiện địa phương, có năng suất cao, chất lượng khá… Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa việc khảo nghiệm, nhân giống và chuyển giao giống cây trồng mới gắn với các mô hình khuyến nông, nên các giống mới nhanh chóng được nhân rộng ra sản xuất, thay thế các giống cũ, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân trên cùng đơn vị diện tích.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc chuyển giao các tiến bộ KHKT đã góp phần làm thay đổi rõ nét trình độ chăn nuôi và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân ở tỉnh ta trong việc sử dụng giống mới, giống ngoại. Trong kỹ thuật chăm sóc và công tác vệ sinh phòng bệnh, thông qua các mô hình cải tạo đàn bò lai, chăn nuôi vỗ béo bò, chăn nuôi bò sinh sản; nuôi heo hướng nạc; nuôi gà thả vườn, gà an toàn sinh học; nuôi các vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như hươu sao, nhím, gà sao, gà H'mông…

Nhờ đó năng suất cây trồng, vật nuôi ở tỉnh ta hàng năm đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể, năng suất ngô đạt 50 tạ/ha (tăng 4-5 tạ/ha so với năm 2005); khoai mì 17 tấn/ha; năng suất mía 52,5 tấn/ha (tăng 2 tấn/ha so với năm 2005)… Tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có gần 280 ngàn con, tăng bình quân hàng năm 3,34%; đặc biệt tỉ lệ bò lai của tỉnh đạt gần 45% so với tổng đàn 60%; đàn heo trên 500 ngàn con; đàn gia cầm trên 3 triệu con…

Không chỉ trong trồng trọt và chăn nuôi, trong lâm nghiệp, diêm nghiệp, cơ giới hoá, thuỷ sản,… cũng  có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN được chuyển giao đến với người nông dân như mô hình trồng thâm canh cây keo nguyên liệu, tre lấy măng, mây dưới tán rừng; sản xuất muối sạch trên nền xi măng chịu mặn, mô hình hầm biogas, chuyển giao máy gặt đập liên hợp, máy làm đất; mô hình nuôi các loại cá nước ngọt như cá trắm, trôi, mè, chép, nuôi các đối tượng thuỷ đặc sản như ba ba, cá chình, cá bống tượng, cá mú, tôm hùm,…

Với kết quả đạt được có thể khẳng định rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng, đưa tiến bộ KHKT vào SXNN ở tỉnh ta thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Đây là bước chuyển khá quan trọng giúp nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính trên đồng đất quê mình.

Phương Dung

.