Thủ tướng Malaysia từ chức giữa lúc dịch bùng phát

06:08, 16/08/2021
.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã chính thức tuyên bố từ chức chiều 16-8, để lại phía sau một cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19 chưa được dập tắt.
[links()]
 
Dù rời ghế thủ tướng, đảng của ông Muhyiddin vẫn giữ số ghế đáng kể tại Hạ viện Malaysia - Ảnh chụp màn hình SCMP
Dù rời ghế thủ tướng, đảng của ông Muhyiddin vẫn giữ số ghế đáng kể tại Hạ viện Malaysia - Ảnh chụp màn hình SCMP
Trong tuyên bố trực tiếp trên truyền hình chiều 16-8, ông Muhyiddin cho biết đã từ chức vì không còn sự ủng hộ đa số trong Hạ viện Malaysia. 
 
Nhà lãnh đạo 74 tuổi bày tỏ hy vọng đất nước sẽ có thủ tướng mới càng sớm càng tốt và tuyên bố sẽ không hợp tác với "những kẻ phá hoại đất nước".
 
Toàn bộ quan chức cấp bộ trưởng cùng Thủ tướng Muhyiddin đã nộp đơn từ chức lên Quốc vương Al-Sultan Abdullah trưa 16-8. 
 
Hoàng gia Malaysia sau đó xác nhận việc từ chức của ông Muhyiddin và các quan chức có hiệu lực ngay lập tức. 
 
Tuy nhiên, để đảm bảo ít có sự xáo trộn nhất, Quốc vương Al-Sultan Abdullah đã chỉ định ông Muhyiddin làm thủ tướng tạm quyền cho đến khi có thủ tướng chính thức mới.
 
Theo Hãng tin Reuters, sự ra đi của ông Muhyiddin sau 17 tháng tại nhiệm sẽ gây khó khăn hơn nữa cho Malaysia trong việc khởi động lại nền kinh tế vốn đã bị thiệt hại lớn vì COVID-19.
 
Đồng ringgit và thị trường chứng khoán Malaysia đã lao dốc trong phiên giao dịch sáng 16-8. Điều này cho thấy sự lo ngại của giới đầu tư trước việc chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông Muhyiddin.
 
Do không có đảng nào hiện nắm đủ thế đa số để tuyên bố thành lập chính phủ, chính trường Malaysia sẽ lại chứng kiến những màn vận động hành lang và "đi đêm" giữa các đảng nhằm tập hợp đủ số ghế cần thiết.
 
Truyền thông Malaysia đã quá quen với việc các nghị sĩ bắt tay nhau nơi hậu trường và cũng chính bằng cách này, họ đã thành công trong việc lật đổ ông Muhyiddin.
 
Theo báo Straits Times, 11 nghị sĩ thuộc Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) đã rút lại sự ủng hộ dành cho ông Muhyiddin khiến liên minh cầm quyền của ông Muhyiddin mất thế đa số tại Hạ viện. Điều này dẫn tới việc ông Muhyiddin phải từ chức theo quy định của hiến pháp.
 
Cựu thủ tướng Muhyiddin cáo buộc cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại là do ông từ chối đáp ứng các yêu sách của một số chính trị gia, trong đó có việc bỏ cáo buộc tham nhũng đối với một số cá nhân.
 
Các chính trị gia của UMNO, bao gồm chủ tịch đảng Ahmad Zahid Hamidi, đang đối mặt với cáo buộc hối lộ. Những người này đã phủ nhận hành vi sai trái và nằm trong nhóm đã rút lại sự ủng hộ dành cho ông Muhyiddin hôm 3-8, theo Reuters.
 
Việc ai là thủ tướng tiếp theo của Malaysia giờ nằm trong sự tính toán và quyết định của Quốc vương Al-Sultan Abdullah. 
 
Người có tiềm năng trở thành thủ tướng là người sẽ thuyết phục được nhà vua rằng họ có thể tập hợp được các đảng khác để thành lập chính phủ đa số.
 
Một lựa chọn khác cho Quốc vương Al-Sultan Abdullah là ra lệnh giải tán quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử khác trong 60 ngày sau đó.
 
Theo Straits Times, đặt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, một cuộc bầu cử sớm là quá mạo hiểm. Tờ báo của Singapore chỉ ra đợt bầu cử ở bang Sabah đã làm bùng phát dịch và đến nay vẫn chưa thể dập tắt.
 
Số ca nhiễm tại Malaysia liên tục tăng trong hai tuần qua bất chấp việc chính phủ của ông Muhyiddin đặt mục tiêu kéo giảm số ca mỗi ngày xuống còn 4.000 ca. 
 
Những tranh cãi và cáo buộc các quan chức dưới quyền ông Muhyiddin coi thường nhà vua cũng khiến chính phủ này dần mất đi tính chính danh cần thiết.
 
Theo BẢO DUY/Tuổi Trẻ Online
 
 

.