Số ca mắc Covid-19 trên thế giới lên tới hơn 32 triệu người

08:09, 24/09/2020
.
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 24-9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 32.054.195 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 980.347 ca tử vong.
 
Châu Á
 
Số ca nhiễm tại Ấn Độ tiếp tục tăng trong ngày 23-9, chỉ một ngày sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Theo số liệu của y tế liên bang, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 83.347 ca nhiễm mới và 1.085 ca tử vong do Covid-19.
 
Tại Campuchia, Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia Hang Chuon Naron khẳng định sẵn sàng đề nghị lên Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho phép thực hiện giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa trở lại các trường học sau khi hai giai đoạn đầu diễn ra suôn sẻ.

 

Tại Philippines, giới chức y tế đã ghi nhận thêm 2.833 ca mắc mới và 44 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lượt là 294.591 ca và 5.091 ca.
 
Ngày 23-9, các nguồn tin thân cận cho hay Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc nới lỏng các quy định về cấm nhập cảnh, theo đó sẽ cho phép người nước ngoài ở lại nước này trong thời gian 3 tháng hoặc lâu hơn bắt đầu từ tháng 10 tới. Cụ thể, theo Chính phủ Nhật Bản, mỗi ngày có khoảng 1.000 người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh.
 
Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài vẫn bị cấm và chỉ những người nước ngoài có thị thực dài hạn mới được phép tới nước này.
 
Châu Âu
 
Số ca mắc Covid-19 tại châu lục đã vượt 5 triệu người. Đáng chú ý, hơn một nửa số ca nhiễm trong khu vực tập trung tại các "điểm nóng" như Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Anh. Số ca nhiễm tăng lên một phần là do việc tăng cường xét nghiệm tại một số nước, trong đó có Pháp, với hơn 1 triệu xét nghiệm được tiến hành mỗi tuần.
 
Tại Bỉ, Hội đồng an ninh quốc gia ngày 23-9 đã họp và đưa ra những biện pháp hạn chế dài hạn và chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở nước này.
 
Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã đặt mục tiêu xét nghiệm 70.000 người/ngày, thay vì khoảng 35.000 người/ngày hiện nay. Một trung tâm tư vấn qua điện thoại sẽ được thành lập để tập trung đầu mối thông tin và giảm tải cho các bác sĩ gia đình. Bệnh nhân cũng được khuyến khích lấy kết quả xét nghiệm trực tiếp trên Internet để giảm tải lượng người đến các cơ sở y tế.
 
Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết, thành phố Madrid sẽ mở rộng các biện pháp phong tỏa một phần sang một số khu vực khác để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Madrid hiện là tâm dịch của loạt ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha.
 
Chính phủ Pháp đang chuẩn bị thông báo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Paris, nơi số ca nhiễm mới đang tăng mạnh kể từ khi chấm dứt lệnh phong tỏa. Tại khu vực Paris Ile-de-France, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 204 trên 100.000 dân, cao hơn những khu vực chịu ảnh hưởng nặng như Lyon và Marseille. Hai thành phố này đều đã siết chặt các biện pháp hạn chế lây nhiễm.
 
Ngày 23-9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết Ngoại trưởng Heiko Maas đã tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong một tuyên bố, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết, kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu xác nhận ông H.Maas có phản ứng âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
 
Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh cho biết nước này chưa có ý định kéo dài "lịch nghỉ phép" chống dịch dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10. Trước đó, Anh đã thông báo các biện pháp hạn chế mới liên quan đến giờ mở cửa của các quán rượu và nhà hàng.
 
Theo đó, từ ngày hôm nay (24-9), tất cả nhà hàng, khách sạn, quán rượu chỉ được phục vụ khách dùng bữa tại bàn. Tất cả các nơi tổ chức sự kiện tiếp tân, hội họp chỉ được mở cửa đến 22h.
 
Châu Mỹ
 
Ngày 23-9, công ty Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vắc xin ngừa Covid-19 đối với 60.000 người. Vắc xin của J&J chỉ sử dụng duy nhất một mũi tiêm, qua đó giúp đơn giản hóa quá trình phân phối hàng triệu liều vắc xin so với các công ty đối thủ hàng đầu hiện nay, khi các sản phẩm vắc xin của họ đều cần phải tiêm nhắc lại.
 
Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của J&J sẽ được triển khai tại 215 khu vực ở Mỹ, Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru. Công ty đang lên kế hoạch sản xuất khoảng 1 tỷ liều vắc xin vào năm 2021 và thậm chí là nhiều hơn thế. Mục tiêu của việc thử nghiệm là kiểm tra xem liệu vắc xin có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng chỉ với một mũi tiêm hay không.
 
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 23-9 cảnh báo số phụ nữ mang thai nhiễm vi rút SARS-Cov-2 tại châu Mỹ đang gia tăng mức báo động với tổng số hơn 60.458 người.
 
Báo cáo công bố cùng ngày của PAHO cung cấp số liệu cho biết, kể từ những báo cáo đầu tiên về dịch Covid-19 tại lục địa này, đã có tới 458 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai do mắc SARS-CoV-2. Trước thực trạng này, PAHO kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường nỗ lực để đảm bảo phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế trước sinh.
 
Theo Hà Nội mới
 

.