Thủ tướng Ý kéo dài phong tỏa đến 3-5, bất chấp doanh nghiệp hối thúc

08:04, 11/04/2020
.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 10-4 quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa phòng dịch COVID-19 tới 3-5, bất chấp sức ép hối thúc mở cửa lại nền kinh tế của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Ý, ông Giuseppe Conte, rời đi sau cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Rome, Ý ngày 11-3-2020 - Ảnh (tư liệu): REUTERS
Thủ tướng Ý, ông Giuseppe Conte, rời đi sau cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Rome, Ý ngày 11-3-2020 - Ảnh (tư liệu): REUTERS
Theo hãng tin AFP, ông Conte công bố quyết định này sau khi nước Ý ghi nhận thêm 570 người chết vì COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết của nước này lên 18.849 người, cao hơn mọi quốc gia khác trên thế giới.
 
Mặc dù số người chết theo ngày như vậy vẫn còn cao, song so với vài tuần trước tại Ý cũng đã giảm nhiều.
 
Truyền thông Ý cho biết các liên đoàn doanh nghiệp từ những khu vực vốn chiếm khoảng 45% hoạt động sản xuất của Ý và cũng là những nơi có khoảng 80% số người bệnh COVID-19 đã chết của nước này, đã đồng thời gửi thư kiến nghị Thủ tướng, cho biết họ sẽ không thể trả lương cho người lao động nếu tình trạng phong tỏa tiếp tục.
 
Tuy nhiên ông Conte nói nước Ý sẽ không thể chịu đựng thêm nổi một làn sóng tăng vọt số ca nhiễm nữa và cần thận trọng hơn khi đối mặt với một căn bệnh mới.
 
"Tôi hiểu là tất cả chúng ta đều đang rất sốt ruột muốn đưa mọi thứ hoạt động trở lại", ông Conte nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
 
Song ông cho rằng việc kéo dài thời gian phong tỏa thêm 3 tuần nữa là "quyết định khó khăn nhưng cần thiết mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm chính trị".
 
Thủ tướng Ý đưa ra quyết định khó khăn này sau khi dành nhiều ngày tham vấn các nhà khoa học và các lãnh đạo nghiệp đoàn với những mối quan tâm đối lập nhau.
 
Một tính toán sai của ông Conte lúc này hoặc có thể dẫn tới một đợt bùng nổ ca bệnh mới, hoặc gây ra những tổn thất không cần thiết cho nền kinh tế và cả sinh kế của người dân nếu duy trì tình trạng phong tỏa lâu hơn mức cần thiết.
 
Trong lúc này, cả Mỹ và nhiều nước khác ở châu Âu cũng đang chăm chú theo dõi lựa chọn hành xử của chính quyền Ý về giải pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với họ kể từ Thế chiến 2 tới nay.
 
Theo D. KIM THOA/Tuổi Trẻ Online
 
 

.