Anh điều tàu ngầm hạt nhân, thủy quân lục chiến "nắn gân" Iran

08:07, 23/07/2019
.
Truyền thông Anh đưa tin nước này sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại vịnh Ba Tư bằng việc triển khai thêm tàu ngầm và lực lượng thủy quân lục chiến sau vụ Iran bắt tàu chở dầu.
TIN LIÊN QUAN

Trang tin Daily Express dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, tàu ngầm lớp Astute 7.400 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được triển khai tới vịnh Ba Tư và đóng vai trò phòng vệ. Tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi hạng nặng.

Báo Anh cho biết tàu ngầm hạt nhân trên dự kiến sẽ xâm nhập vào đường dây liên lạc giữa các quân nhân Iran và báo cáo thông tin thu thập được về trụ sở của lực lượng hải quân tại Anh.
 Tàu ngầm HMS Astute của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Sputnik)
Tàu ngầm HMS Astute của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Sputnik)
“Chúng tôi điều đi một con tàu, nó có thể đang tiến về khu vực này. Vai trò của tàu là hoạt động tình báo ngầm, chỉ thu thập thông tin để hỗ trợ cho việc hộ tống các tàu chở dầu”, một nguồn tin của Hải quân Hoàng gia Anh tiết lộ.

Theo một thông tin khác từ trang tin The Sun, Hải quân Hoàng gia Anh cũng sẽ triển khai lực lượng thủy quân lục chiến tới vịnh Ba Tư.

Trước đó, tàu khu trục HMS Duncan của Anh đã được đưa tới vùng Vịnh hồi đầu tháng để hỗ trợ cho tàu hộ vệ HMS Montrose tại Bahrain. Vào thời điểm đó, HMS Montrose là tàu chiến duy nhất của Anh hoạt động trong khu vực.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh ngày 16/7 thông báo nước này sẽ đưa tàu hộ vệ Type 23 HMS Kent tới vịnh Ba Tư. Dự kiến tàu HMS Kent sẽ được triển khai tới vịnh Ba Tư vào cuối năm để thay thế tàu HMS Duncan.

“Chúng tôi có khả năng triển khai thêm tàu, nhưng việc này sẽ phải mất nhiều tuần. Do vậy, thủy quân lục chiến là lựa chọn hoàn hảo trong ngắn hạn”, một nguồn tin quân sự chia sẻ với The Sun.

“Lính thủy quân lục chiến có thể được triển khai trên các tàu thương mại. Các tàu chở dầu có thể sẽ được hộ tống và quá trình di chuyển của chúng sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, mục đích chính của chúng tôi không phải nhằm leo thang căng thẳng, mà là để ngăn chặn”, nguồn tin cho biết thêm.

Hiện các quan chức quốc phòng Anh vẫn chưa lên tiếng xác nhận các thông tin trên. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May hôm nay đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, tập trung thảo luận về việc bảo đảm an toàn cho các tàu di chuyển tại vịnh Ba Tư.

Giới chức Anh khuyến cáo các tàu nước này tạm thời tránh đi qua eo biển Hormuz sau khi xảy ra các vụ bắt giữ tàu chở dầu gần đây.

Anh ngày 4/7 đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran tại eo biển Gibraltar vì nghi ngờ tàu này chở dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Iran đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là hành động “cướp biển” và cảnh báo sẽ đáp trả.

Ngày 19/7, Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh tại eo biển Hormuz, sau khi cáo buộc tàu này có liên quan tới một vụ va chạm với tàu cá Iran và không tuân thủ cảnh báo của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Trả lời phỏng vấn chương trình Fox and Friends vào sáng nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trả lời câu hỏi về vai trò của Mỹ trong việc đòi lại tàu chở dầu Anh bị Iran bắt giữ tuần trước.

“Trách nhiệm trước tiên thuộc về Anh trong việc bảo vệ các tàu của họ. Mỹ không muốn chiến tranh với Iran, chúng tôi muốn họ hành xử như một nước bình thường. Tôi nghĩ họ hiểu điều đó”, ông Pompeo nói.

Truyền hình nhà nước Iran hôm nay cũng công bố đoạn video đầu tiên ghi lại hình ảnh của thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu Stena Impero sau khi bị bắt giữ. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy một số thành viên đang làm việc trong bếp, trong khi những người khác được trông chừng bởi giới chức Iran.
 
Theo Thành Đạt/Dân Trí
 

.